Sau gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Mê Linh đã có 14/16 xã được UBND TP Hà Nội trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, còn 2 xã Tam Đồng và Tự Lập đang hoàn thiện hồ sơ để trình TP thẩm định, xét công nhận hoàn thành chương trình.
Cánh đồng lớn sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt)
Với tiến độ hiện nay, huyện Mê Linh phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành hồ sơ để trình UBND TP Hà Nội và các cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để có được kết quả trên, từ đầu năm 2020 huyện đã bố trí kinh phí gần 170 tỷ đồng cho 2 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn mới đã có những thay đổi cơ bản, khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Các xã trên địa bàn huyện cũng không còn nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng đầy đủ các kế hoạch, chương trình, đề án để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đồng thời, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp an toàn gắn với sơ chế, chế biến sâu để tận dụng thế mạnh địa phương, giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: sản xuất hoa, cây cảnh quy mô từ 20ha trở lên tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh…; sản xuất cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao, quy mô từ 20 ha trở lên. Mê Linh trở thành vựa rau, hoa của Thủ đô với khoảng 500ha hoa và 2.000ha rau màu…Nông nghiệp của huyện cũng được chuyển đổi sang mô hình chuyên canh lớn, chuyện dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Việc này đã giúp cho thu nhập bình quân đầu người ở huyện đạt 45 triệu đồng/người/năm, 100% số xã trên địa bàn đã đạt tiêu chí về hộ nghèo. Nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới, làm thay da đổi thịt cả một vùng quê.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thiện 2 tiêu chí còn lại là môi trường và y tế - văn hóa - giáo dục, để cuối năm 2021, có thể hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong hai tiêu chí huyện nông thôn mới chưa đạt chuẩn, lãnh đạo huyện đánh giá môi trường là tiêu chí khó, bởi hiện, địa phương vẫn còn tới 14/16 xã chưa có bãi tập kết rác thải.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn thông tin tới các nhà báo.
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, TP Hà Nội đã giao huyện thực hiện đấu thầu thu gom xử lý rác. Việc đấu thầu được triển khai đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Huyện sẽ rà soát, xác thực từng tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm chính xác đến từng vị trí, từng km đường để nhân với đơn giá của thành phố.
Theo quy định, huyện phải có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đạt tiêu chuẩn; cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ như công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường. Bởi vậy, huyện đang tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lập dự án đầu tư xây dựng những điểm tập kết còn thiếu, hướng tới hoàn thiện rất cả các điểm tập kết có tường bao, mái che, nền bê tông và hố xử lý nước thải.
Quy hoạch nông thôn mới yêu cầu mỗi thôn có ít nhất một bãi tập kết rác để trung chuyên, nhưng kinh phí bố trí chưa có. Khi không có bãi rác dẫn đến tình trạng người dân đổ rác ra nơi công cộng, ven các tuyến đường. Huyện có 99 thôn, tổ dân phố nên sẽ phải có 99 bãi tập kết.
Như vậy, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các xã triển khai xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa đảm bảo đạt theo các tiêu chí cụ thể. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, đặt mục tiêu cuối năm 2021 có thể hoàn thiện hồ sơ để trình thành phố, Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới./.