Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ đón Bằng công nhận huyện Yên Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới, diễn ra ngày 21/11.
Bí thư tỉnh Hưng Yên, Đỗ Tiến Sỹ thừa uỷ quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Yên Mỹ. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN
Ưu tiên nông nghiệp sạch
Ông Đặng Ngọc Quỳnh cho rằng, Yên Mỹ cần tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm cây ăn trái; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, thực hiện chặt chẽ quy trình phòng chống dịch bệnh; đồng thời, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.
Với lợi thế đất đai màu mỡ, Yên Mỹ đang phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; tạo cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, Đặng Ngọc Quỳnh thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 cho huyện Yên Mỹ. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đánh giá cao huyện Yên Mỹ đã chuyển đổi và hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gồm: vùng trồng lúa 1.800 ha ở các xã Trung Hòa, Đồng Than, Thanh Long, Ngọc Long, Tân Việt, Lý Thường Kiệt. Vùng trồng cây ăn quả 750 ha và vùng sản xuất rau mầu theo chuỗi 650 ha tại các xã Yên Phú, Minh Châu, Yên Hòa, Hoàn Long, Việt Cường, Đồng Than, Lý Thường Kiệt. Các vùng chuyển đổi cho thu nhập cao từ 8 đến 15 lần so với trồng lúa. Huyện cũng đã xác định nông sản chủ lực là rau màu và cây ăn quả như cam, bưởi, ổi. Hiện có 17 sản phẩm đăng ký OCOP, có 2 sản phẩm là gạo nếp thơm và cây dược liệu hoa nhài đạt chuẩn 4 sao, nhiều sản phẩm khác đạt 3 sao, 2 sao.
Theo đó, các mô hình cánh đồng mẫu lớn tiếp tục duy trì mở rộng với tổng diện tích 160 ha. Các xã: Trung Hòa, Tân Lập, Ngọc Long, Tân Việt, Lý Thường Kiệt đã triển khai liên kết sản xuất theo mô hình "4 nhà". Mô hình liên kết sản xuất theo VietGAP, truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo chuỗi rau củ quả với các mô hình hợp tác xã ở Việt Cường), Yên Phú, Hoàn Long, Lý Thường Kiệt; có hơn 40 ha rau an toàn được chứng nhận VietGAP. Các nông sản sạch được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị Vinmart, Big-C, Fivimart, CoopMart Hà Nội, khách sạn Daewoo Hà Nội, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội.
Trên địa bàn Yên Mỹ hiện có 33 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, thực hiện chức năng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, điển hình như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Yên Phú; Hợp tác xã rau củ quả và Dịch vụ nông nghiệp Vượng Phát; Hợp tác xã sản xuất ổi và rau an toàn xã Hoàn Long.
Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ, Nguyễn Văn Đoan trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN
Xây dựng vùng nông thôn đáng sống
Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ Đặng Xuân Lương cho biết, trong gần 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động được hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, làm mới và nâng cấp gần 700 km đường giao thông. Trên địa bàn có hơn 13 km đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 5 và Quốc lộ 39 quy mô đường cấp II; có đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình. Nhờ đó đã tạo liên kết giao thương với các địa phương khác, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế xã hội.
Đến nay, Yên Mỹ có 5 khu công nghiệp gồm: Phố Nối A, Dệt may Phố Nối, Thăng Long II, Yên Mỹ II, Yên Mỹ; trong đó, 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm dự án đầu tư, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Ngoài ra, còn có 3 làng nghề được công nhận: làng nghề sản xuất miến dong tại thôn Lại Trạch - xã Yên Phú, làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và kinh doanh tổng hợp thôn Trai Trang - thị trấn Yên Mỹ và làng nghề trạm khắc gỗ thôn Thuỵ Lân - xã Thanh Long.
Chia sẻ về bước đi trong giai đoạn mới, Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ Nguyễn Văn Đoan cho biết, phát huy truyền thống cái nôi quê hương văn hóa của cả nước từ những năm 1960, Yên Mỹ phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 8 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Giai Phạm, Yên Phú, Nghĩa Hiệp, Liêu Xá, Minh Châu, Hoàn Long, Tân Lập, Trung Hưng; trong đó, có 3 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi xã phấn đấu đạt từ 1 - 2 khu dân cư kiểu mẫu. Đến năm 2030, phấn đấu huyện hoàn thành xây dựng đạt chuẩn đô thị loại III.
Trước mắt, huyện coi trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện; tiếp tục cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung xây dựng các làng nghề hiện có thành các làng văn hóa du lịch trong Chương trình OCOP.
Đồng thời, huyện phát triển các mô hình thôn xóm xanh, sạch, đẹp tạo tiền đề để nhân rộng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bảo tồn hồn cốt văn hoá nông thôn; hình thành các vành đai sinh thái xanh, nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.