Bắc Ninh nâng cấp chất lượng nông thôn mới

Thứ sáu, 13/11/2020 14:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đến nay, Bắc Ninh có 94/94 xã đạt 100% số xã, 7/8 đơn vị cấp huyện (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình thẩm định) đạt xây dựng nông thôn mới.

Ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay, Bắc Ninh có 94/94 xã đạt 100% số xã, 7/8 đơn vị cấp huyện (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình thẩm định) đạt xây dựng nông thôn mới.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất để hình thành những vùng chuyên canh khoai tây quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Nông thôn Bắc Ninh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hoá, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô ngày càng lớn và trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học.

Bắc Ninh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 sớm hơn 24 tháng so với Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX (giai đoạn 2015- 2020) đề ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các công trình hạ tầng thiết yếu đảm bảo hiện đại, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao…

Theo ông Đặng Công Hưởng, để đạt được kết quả trên, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, quán triệt tư tưởng "Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc".

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát các mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn.

Tỉnh tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Chia sẻ về phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới, ông Đặng Công Hưởng cho biết, giai đoạn 2016- 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân tham gia ủng hộ, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, phong trào thi đua "Bắc Ninh xây dựng nông thôn mới", gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", giai đoạn 2016- 2020, các doanh nghiệp và nhân dân đã tự nguyện đóng góp trên 500 tỷ đồng, trên 18.000 ngày công và hiến trên 150 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình công cộng nông thôn…

Với quan điểm xây dựng nông thôn theo hướng đô thị hóa, xây dựng nông thôn Bắc Ninh tiệm cận với đô thị, tỉnh Bắc Ninh đã để lại toàn bộ tiền bán đấu giá đất cho các địa phương để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đóng góp tiền, công trình; vận động nhân dân đóng góp tiền, đất đai, ngày công lao động; thu hút doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp…

Mô hình trồng rau nông nghiệp công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân (Lương Tài, Bắc Ninh). Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Đây là những giải pháp phát huy hiệu quả tích cực thu hút nguồn lực của tỉnh Bắc Ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Đối với nguồn vốn của nhân dân, doanh nghiệp đóng góp được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định, không áp đặt.

Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua Ban Phát triển thôn, Ban Giám sát cộng đồng, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm....

 Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ cơ giới hoá cao đã tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không có nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)