Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, Long An đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn ngày một khang trang hơn. Đây là một nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Diện mạo nông thôn Long An ngày một đổi mới. (Ảnh: Minh Khuê)
10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 123.261,4 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó: vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 999,7 tỷ đồng, chiếm 0,8%; vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp 573 tỷ đồng, chiếm 0,5%; vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn 10.835,3 tỷ đồng, chiếm 8,8%; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế 550 tỷ đồng, chiếm 0,4%; vốn huy động cộng đồng dân cư 6.673,2 tỷ đồng, chiếm 5,4%; vốn tín dụng 103.630 tỷ đồng, chiếm 84,1%.
Đến nay, toàn tỉnh có 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46,4%. Nếu như năm 2010, số tiêu chí đạt bình quân/xã của tỉnh đạt 6 tiêu chí, đến nay tăng lên 15,62 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 2,21%, giảm 5,16% so với năm 2010 và giảm 0,76% so với năm 2015; đã có 148/166 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, tăng 72 xã so với năm 2010.
Hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi quanh năm đến trung tâm các xã. Toàn tỉnh hiện có 8.153,2 km đường giao thông, trong đó đường bê tông nhựa 435,4 km; đường láng nhựa là 2.718 km; đường bê tông xi măng 1.488 km; đường cấp phối 2.350,9 km; đường đất 1.161km. Đến nay, toàn tỉnh đã có 86/166 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 81 xã so với năm 2010 và tăng 25 xã so với năm 2015; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã. (Ảnh: Báo Long An)
Bên cạnh đó, ngành điện đã huy động mọi nguồn vốn, để triển khai đầu tư các công trình cấp điện khu vực nông thôn. Nhiều dự án điện quan trọng đã được đầu tư và có tác động tích cực đến nông nghiệp và nông thôn. Đến nay, đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 99,88% ( 402.241 hộ/402.742 hộ). Toàn tỉnh đã có 162/166 xã đạt tiêu chí điện, tăng 60 xã so với năm 2010 và tăng 01 xã so với năm 2015.
Toàn tỉnh đã có 301/612 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó: mầm non 97/224 đơn vị; tiểu học đạt 116/207 đơn vị; trung học cơ sở 78/138 đơn vị; trung học phổ thông đạt 10/43 đơn vị. Đã có 102/166 xã đạt tiêu chí trường học, tăng 82 xã so với năm 2010 và 16 xã so với năm 2015 tăng.
Về y tế, đến nay đã có 160/177 xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, chiếm tỷ lệ 90,4%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 89,53%, tăng 28,15% so với năm 2011 và tăng 16,8% so với năm 2015; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 17,8%, giảm 5% so với năm 2011 và giảm 1,7 % so với năm 2015. Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 117/166 xã đạt tiêu chí y tế, giảm 15 xã so với năm 2010 và tăng 16 xã so với năm 2015.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 45 triệu đồng/năm. (Ảnh: Báo Long An)
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 53.896 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 50% năm 2010 lên 69% năm 2019, trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 30% năm 2010 lên 51% năm 2019.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Có thể thấy, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đạt được thành tựu đó là nhờ tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao. Đây là tiền đề quan trọng để Long An hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.
Ông Phạm Văn Cảnh chia sẻ, về giai đoạn 2021- 2030, tỉnh nỗ lực phấn đấu làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ; xã hội nông thôn dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp”; hệ thống chính trị, quốc phòng – an ninh trật tự được củng cố.
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 10 năm tới, tỉnh Long An phấn đấu đảm bảo “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”; trong đó, hiệu quả về sử dụng các nguồn lực; toàn diện ở các lĩnh vực, các cấp, các vùng; bền vững về môi trường…/.