Thời gian qua, Đồng Tháp triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) khá tốt và về đích xã NTM sớm hơn một năm so với kế hoạch đưa ra.
Sản xuất nông nghiệp là nền tảng góp phần xây dựng NTM ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn năm 2016-2020, tổng vốn huy động trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM ở Đồng Tháp hơn 97.317 tỷ đồng. Đến hết tháng 5-2020, toàn tỉnh có 78/117 xã đạt chuẩn NTM, cuối năm 2020 sẽ có thêm 20 xã về đích NTM, trong đó, có 8 xã điểm NTM, hoàn thành kế hoạch 37/37 xã điểm giai đoạn 2016 - 2020 đạt chuẩn NTM, 12 xã diện theo đề xuất của các địa phương.
Cùng với đó, Đồng Tháp tiếp tục duy trì các kết quả xã đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao. UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp các huyện rà soát, đề xuất tỉnh phê duyệt 14 xã, trong đó có ít nhất 3 xã NTM đạt chuẩn nâng cao, hướng đến xã NTM kiểu mẫu gồm Mỹ Đông, huyện Tháp Mười; xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh; xã Định Yên, huyện Lấp Vò.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, đến thời điểm này chương trình NTM ở tỉnh cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thời gian qua, tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết hợp tác hiệu quả như: mô hình giảm giá thành trong sản xuất, mô hình canh tác lúa lý tưởng, mô hình sản xuất hữu cơ... đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đổi mới tư duy, phương thức thực hiện, phát huy tính chủ thể của người dân chính là yếu tố tiên quyết, tạo đột phá trong quá trình thực hiện NTM.
Là huyện đi đầu trong xây dựng NTM, hiện huyện Tháp Mười có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Toàn huyện đã huy động nguồn lực trên 13.400 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 1.000 tỷ đồng. Nhiều mô hình phát triển sản xuất mới, hiệu quả cao, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung v.v..
Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân từ bình quân 18,5 triệu đồng/người/năm lên 47,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,97% của năm 2011 xuống còn 2,45% năm 2019.
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được chú trọng, phong trào trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường, nơi công cộng được nhân rộng. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa nông thôn ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Mục tiêu thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiến hành xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững; huy động nguồn lực thực hiện chương trình trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ thực hiện Chương trình là 2.125 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp và vốn ngân sách địa phương: 1.500 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 625 tỷ đồng).
Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao, 5% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm (ứng với tiêu chuẩn nghèo mới) 1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; phấn đấu đến năm 2030 có 100% đơn vị huyện hoàn thành hoặc đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu./.