Trong giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân hàng năm 11,52% (kế hoạch 11,0-12,0%), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản giảm mạnh. Năm 2015, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 13,2%; đến hết năm 2019 giảm còn 8,7%, dự kiến năm 2020 còn 8,0%.
Sản xuất nông nghiệp chuyển biến mạnh theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sinh thái. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh theo quy hoạch vùng sản xuất; các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp với kinh phí gần 100 tỷ đồng tại 7 xã và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được quan tâm với kinh phí trên 15 tỷ đồng. Hình thành và phát triển 125 tổ nhóm PGS, 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 22 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất. Tiêu biểu mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; mô hình sản xuất rau thủy canh xã Đa Tốn; Mô hình sản xuất rau an toàn xã Văn Đức, mô hình cam Báo Đáp xã Kiêu Kỵ… Cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng; đã phê duyệt 189 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ; đã chuyển đổi 1.603,72ha theo định hướng quy hoạch vùng sản xuất.
Các thành phần kinh tế được quan tâm, khuyến khích phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 3.500 doanh nghiệp, 10.000 hộ kinh doanh cá thể và 65 HTX đang hoạt động. Các doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách như: mặt bằng đất đai, lao động, thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tuyên truyền, tập huấn và khuyến khích các hộ sản xuất có đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp.
Công tác xây dựng nông thôn được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt hiệu quả cao, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét theo hướng đô thị. Toàn huyện đã huy động hơn 3.077 tỷ đồng đầu tư xây dựng. Đến nay, 20/20 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Huyện Gia Lâm được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM để hoàn thành xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Kế hoạch, năm 2020, có 5-7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung được xác định là khâu đột phá, đạt kết quả rõ nét. Hệ thống giao thông trên địa bàn được tập trung hoàn thiện: đã đầu tư 1.741,69 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 145,56km đường giao thông nông thôn. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 23 tuyến đường do huyện quản lý với chiều dài 55km được cải tạo, nâng cấp với mặt cắt rộng từ 6,5-7,5m, được nhựa hóa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, triển khai đầu tư hơn 4.755 tỷ đồng thực hiện 14 dự án tuyến đường hạ tầng khung với tổng chiều dài 47,7km; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 04 tuyến, đồng thời, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 42 tuyến đường trục chính khớp nối hệ thống giao thông của huyện.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đầu tư đồng bộ, đã đầu tư 1.206 tỷ đồng xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 109 điểm trường. Đến nay, đã có 66 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,6% (tăng 15 trường so với năm 2015), trong đó, có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2. Kế hoạch, năm 2020, có 71/74 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 91,03% và 07 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Toàn huyện đã xây dựng mới và cải tạo 07 Trung tâm văn hóa thể thao xã và 119 nhà văn hóa thôn; 100% các xã có nhà văn hóa hoặc Hội trường đa năng và sân thể thao, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức các hoạt động; 171/171 thôn, TDP có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng. Toàn huyện có 128 sân bóng chuyền, 76 sân bóng đá, 348 sân cầu lông, 32 vườn hoa, sân chơi công cộng; đầu tư lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời tại 132 điểm ở các thôn, tổ dân phố, vườn hoa, sân chơi công cộng.
Văn hóa - xã hội, môi trường được duy trì và phát triển mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2019 đạt 92%. Công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp được chú trọng. Hàng năm, tổ chức phiên giao dịch việc làm với hơn 1.000 người lao động tham dự. Hằng năm, giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động, hỗ trợ 5.532 hộ vay từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách để giải quyết việc làm với số tiền 185 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 66,56%. Số hộ nghèo năm 2016 là 1.031 hộ, chiếm 1,55%. Đến nay, không còn hộ nghèo.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trong đó, tập trung xử lý, nâng cao chất lượng môi trường trong các khu dân cư, trong nông nghiệp và xây dựng các tuyến đường Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp. Lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trong ngày đạt 99%; lắp đặt hơn 1.800 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thu gom và xử lý 100%; tổ chức thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn 2 xã Phù Đổng và Đặng Xá khoảng 18 tấn/ngày, chiếm 99,8% khối lượng chất thải phát sinh bằng phương pháp nuôi giun quế. Đã trồng mới 10.067 cây xanh; xây dựng và duy trì 47 tuyến đường kiểu mẫu, xây dựng 13 đoạn đường bích họa, 123 đoạn đường nở hoa, 732 bồn hoa, 27 vườn hoa, sân chơi; kè cứng hóa và xử lý hệ thống thu gom nước thải 16 ao, hồ, nâng tổng số ao hồ được kè cứng hóa trên địa bàn lên 28 ao, hồ.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Trong đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có giá trị gia tăng lớn; tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng theo quy hoạch. Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Quan tâm giải quyết, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; đào tạo nghề lao động nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu lao động. Thực hiện đồng bộ các chính sách về đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều, phấn đấu từ năm 2020 không còn hộ nghèo.