10 năm xây dựng nông thôn mới-Vượt nhiều mục tiêu đề ra

Thứ hai, 23/09/2019 13:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 21/9, Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trước khi có chương trình về xây dựng nông thôn mới, thành phố cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Đồng thời chú trọng việc đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội khu vực nông thôn.

Thành phố đã lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp 2 nhiệm kỳ qua. Với diện tích tự nhiên rộng lớn, đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, là tiền đề thuận lợi và dự địa cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều kết quả vượt mục tiêu

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”đã được lan rộng trong toàn Thành phố, nhận thức của người dân được nâng lên, hiểu biết được đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước, mục tiêu của việc thực hiện Chương trình để từ đó tích cực tham gia thực hiện.

Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, Thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí. Điển hình như: huyện Chương Mỹ 1.791 tỷ đồng, huyện Hoài Đức 1.291 tỷ đồng, huyện Sóc Sơn 1.223 tỷ đồng, … Đặc biệt là người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí là 7.204 tỷ đồng, 

Ngoài ra, các quận cũng đã tích cực hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn bộ 12 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 633 tỷ đồng.

Trong xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay, thành phố Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5 huyện so với cuối năm 2015). Thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ trình công nhận Thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Thạch Thất đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019.
 


Thủ tướng trao “Bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới” cho huyện Gia Lâm, huyện Quốc Oai. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về xây dựng xã nông thôn mới, tính đến nay, toàn Thành phố có 325/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới(vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu), tăng 124 xã so với cuối năm 2015 và 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.

Đặc biệt có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/01ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.

Về phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành của UBND Thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 tăng trưởng và phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010-2018 là 3,34%/năm. 

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm), các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Gia Lâm 48,9 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng,... 

Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và tổ chức bộ máy. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%...

Tuy đạt nhiều kết quả, nhưng chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng 

Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn thì vẫn còn một số huyện còn nhiều xã chưa đạt. 
 


Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Cờ Thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả Hà Nội đạt được trong 10 năm về xây dựng nông thôn mới và là một trong 3 địa phương của cả nước (cùng Nghệ An và Thanh Hóa) có số xã xây dựng nông thôn mới lớn nhất. Đồng thời, thành phố Hà Nội đã coi đây là Chương trình trọng tâm để thống nhất chỉ đạo trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố (2010-2015 và 2015-2020). Chính vì vậy Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng, rõ nét.

Tính đến nay, Hà Nội đã tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn Hà Nội cao hơn bình quân chung của cả nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội đã đóng góp kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới. Từ góc nhìn của Hà Nội sẽ đóng góp kinh nghiệm để tổng kết cả nước trong tháng 10 tới.

Nhiều cách làm rất phong phú, kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội. Đây cũng là nơi thực hiện chương trình nông thôn mới với quy mô lớn nhất cả nước.

Về tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giá trị sản xuất nông nghiệp/ha ở Hà Nội đã cao nhưng chưa xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, nhiều nơi môi trường còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân; an ninh chính trị, trật tự xã hội đã tốt nhưng cần được củng cố, tăng cường.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần phát huy vai trò đầu tầu, là hạt nhân đi đầu của cả nước trong phát triển và phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội cần xây dựng nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị. Phải trở thành nền nông nghiệp hiện đại của khu vực và thế giới.

Về xây dựng nông thôn mới phải tiếp tục xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, đáng sống. Một vùng nông thôn trăm nghề, nông nghiệp hữu cơ, tạo nên vùng quê du lịch sinh thái hấp dẫn. Xác lập vai trò của người nông dân là chủ thể của vùng nông thôn có kiến thức, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú.

Đối với khu vực nông thôn, Hà Nội phải gìn giữ được nét văn hóa, văn hiến của Thủ đô nghìn năm, giàu bản sắc văn hóa... Chú ý quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường; đào tạo nghề cho nông dân để chuyển dần lao động nông nghiệp sang các nghề mới.

Thủ tướng đã bày tỏ sự tin tưởng trong thời gian tới Hà Nội sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa, phát triển về mọi mặt và là niềm tự hào của cả nước.

Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở và đặc biệt là người dân, thành phố Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất; 1 cờ thi đua, 67 tập thể, 7 cá nhân và 11 hộ gia đình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 10 tập thể, 9 cá nhân được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen; 53 tập thể, 58 cá nhân và 14 hộ gia đình được Thành ủy tặng Bằng khen. UBND Thành phố tặng 39 cờ thi đua, tặng Bằng khen cho 303 tập thể, 359 cá nhân và 825 hộ gia đình có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy trong 10 năm qua.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng công nhận huyện nông thôn mới năm 2018 cho hai huyện Gia Lâm và Quốc Oai. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội cũng đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)