Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi thuộc vùng Đông Bắc, là cửa ngõ giữa vùng trung du miền núi phía bắc với vùng đồng bằng sông Hồng; tỉnh Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.822 km2, có chín huyện và một thành phố, dân số gần 1,7 triệu người, với 21 thành phần dân tộc, có 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, với 203 xã triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó có 42 xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Giang có thuận lợi là một trong 11 địa phương được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo làm điểm, tuy nhiên xuất phát điểm của các xã đạt thấp, số tiêu chí bình quân mới đạt 7,2 tiêu chí, có hai xã đạt hơn 14 tiêu chí và có đến 158 xã đạt dưới tám tiêu chí… Sau 10 năm triển khai thực hiện với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng với việc ban hành cơ chế chính sách đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân nên đã huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, kết quả Chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt khá toàn diện, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trước hai năm, tỉnh Bắc Giang đứng tốp đầu khu vực miền núi phía bắc.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình từ 2010 đến 2019 khoảng 11.389 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2016-2019 cao gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2010-2015. Giai đoạn 2016-2019, nguồn vốn ngân sách địa phương đã có sự ưu tiên để đầu tư cho thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và cao gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010-2015 (do trong giai đoạn này tỉnh tập trung hỗ trợ thực hiện cơ chế xi-măng làm đường giao thông, riêng ngân sách tỉnh từ năm 2017 - dự kiến hết năm 2019 dành khoảng 1.116 tỷ đồng, bình quân 372 tỷ đồng/năm); nguồn vốn đóng góp từ người dân và cộng đồng dân cư giai đoạn 2016-2019 cao gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2010-2015 (do cơ chế xi-măng của tỉnh phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân nên đã huy động được nội lực rất lớn trong nhân dân, từ năm 2017 - dự kiến hết năm 2019 người dân đã đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn), góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới cũng như đi vào chiều sâu, bền vững.
Đến hết tháng 8-2019, toàn tỉnh có 100/203 xã đạt chuẩn, chiếm 49,3% (tăng 32,6% so với năm 2015, cao hơn bình quân khu vực miền núi phía bắc 22,85%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII từ 9,3% đến 14,3%, vượt 9,9% mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến hết năm 2019, toàn tỉnh có 114/203 xã đạt chuẩn, chiếm 56,6%.
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần phải kiên trì, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bởi vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự để tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện Chương trình; Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, duy tu, nâng cấp công trình đã đầu tư; có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân; Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, bài trừ tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn.
Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Giang cũng luôn lấy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững theo chiều sâu là gốc, theo đó tiếp tục đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; tập trung khai thác hiệu quả diện tích đã thực hiện dồn điền, đổi thửa và nhân rộng cánh đồng mẫu tại các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xác định đây là yếu tố then chốt, động lực chính cho tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Nhân dân điện tử