TP Hồ Chí Minh: Xây dựng nông thôn mới đặc thù

Thứ ba, 04/06/2019 11:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã chính thức triển khai bộ tiêu chí về nông thôn mới (NTM) đặc thù vùng nông thôn thành phố với mục tiêu đề ra đến năm 2020 tất cả năm huyện ngoại thành đều đạt chuẩn NTM theo tiêu chí đặc thù. Trong quá trình thực hiện, chú trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, xem đây là tiền đề quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12.

Căn cứ theo bộ tiêu chí quốc gia, đến cuối năm 2015, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Từ năm 2016, thành phố ban hành bộ tiêu chí về NTM đặc thù vùng nông thôn của thành phố với các tiêu chí cao hơn cả nước, kể cả vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, về tiêu chí mua bảo hiểm y tế (BHYT), cả nước là 85%, vùng Đông Nam Bộ là 90%, còn TP Hồ Chí Minh phải đạt 95% người dân mua BHYT. Về tiêu chí hộ nghèo, thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn hai năm (chuẩn nghèo của thành phố là 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, cao gần gấp đôi chuẩn nghèo quốc gia). Trong giai đoạn 2019 - 2020, thành phố áp dụng chuẩn hộ nghèo mới với thu nhập bình quân 28 triệu đồng/người/năm trở xuống; chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập hơn 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm. Với mức chuẩn này, đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm khoảng 5% tổng số hộ dân thành phố, tương đương khoảng 100 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Hiện nay, vùng nông thôn thành phố đã khởi sắc hơn rất nhiều; đời sống vật chất, tinh thần của người dân 56 xã thuộc năm huyện ngoại thành (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) được nâng cao; có sự thay đổi cơ bản về tư duy, tập quán canh tác và sinh hoạt; nhiều hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Phương, xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiệp Thành, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho biết: “Khi vào HTX, tôi được hỗ trợ rất nhiều từ việc liên kết với các công ty cung cấp thức ăn, con giống, bạt lót ao, vật tư phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản với những sản phẩm có chất lượng và giảm được giá thành đầu vào. Tôi cũng được vay vốn ưu đãi để sản xuất, từ đó giúp gia đình yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập. Mỗi năm, lợi nhuận từ nuôi tôm với diện tích gần hai héc-ta mặt nước của gia đình đạt hơn một tỷ đồng”.

Không riêng gia đình ông Phương, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, đến nay, cả 11 xã viên của HTX Hiệp Thành đã đưa năng suất nuôi tôm từ ba đến bốn tấn lên gần 20 tấn/ha/năm.

Với diện tích 9.000 m2 trồng rau mầm các loại, ông Lê Văn Bạo ở ấp 6, xã Xuân Thái Sơn, huyện Hóc Môn sản xuất quanh năm với bảy ngày/lứa. Trang trại trồng rau mầm áp dụng hệ thống phun sương, xử lý vi sinh kỹ thuật tự động. Theo tính toán của ông Bạo, doanh thu mỗi tháng bình quân đạt 153 triệu đồng, lợi nhuận đạt 93 triệu đồng.

Mô hình trồng rau thủy canh NFT của ông Trần Phúc Hậu ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh với quy mô sản xuất 3.000 m2 rau xà lách các loại và một số rau ăn lá khác đạt doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 1,1 tỷ đồng. Ông Hậu áp dụng công nghệ sản xuất của Ô-xtrây-li-a với hệ thống máy làm lạnh dinh dưỡng và được kiểm soát bằng hệ thống máy tính bảo đảm vừa đủ chất dinh dưỡng cho rau cho nên chỉ cần sử dụng một lao động là có thể vận hành được hệ thống. Nhờ ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau sạch VietGAP sản phẩm từ trang trại của ông Hậu được tiêu thụ tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp với giá khá cao… 

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng NTM của thành phố nhằm giúp người nông dân tăng thu nhập. Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp vùng nông thôn thành phố đạt bình quân 502 triệu đồng/ha, tăng hơn 50 triệu đồng so với năm 2017. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cho biết thêm: “Để vùng nông thôn phát triển bền vững, trong nhiều giải pháp, thành phố tập trung triển khai các ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu của thành phố đề ra đến năm 2020 là đưa giá trị sản xuất một héc-ta đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 600 đến 650 triệu đồng/năm; đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 900 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm”.

Năm 2018, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn thành phố đạt 54 triệu đồng/người. Mục tiêu đề ra đến năm 2020 đưa thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 63 triệu đồng và 100 triệu đồng/người/năm vào năm 2025.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị ở thành phố trong xây dựng NTM, đến nay, thành phố đã có hai xã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 16,4 tiêu chí (tăng một tiêu chí so với cuối năm 2018); bình quân mỗi huyện đạt 5,8 tiêu chí (tăng 1,2 tiêu chí so với cuối năm 2018). Thành phố phấn đấu đến năm 2020 tất cả 56 xã và năm huyện ngoại thành hoàn thành Chương trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn thành phố.

Để đạt các mục tiêu nêu trên, TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển ngành nông nghiệp của thành phố trở thành trung tâm sản xuất giống khu vực phía nam; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, tăng giá trị gia tăng đối với sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, tăng đầu tư ngân sách vào công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp...


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)