Đắk Nông gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững

Thứ năm, 30/05/2019 13:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau hơn 8 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Nông đã có được những thành quả đáng khích lệ, toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt…

Nông dân Đắk Nông được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Báo Đắk Nông)

Khi mới vào lập nghiệp tại xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, gia đình ông Lê Ngọc Trung vô cùng khó khăn, vất vả. Năm 2015, gia đình ông được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách, đồng thời được chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng… để phát triển kinh tế. Có vốn, có đất sản xuất, ông Trung đầu tư phát triển theo mô hình kinh tế VAC. Với hơn 3 hecta đất vườn vừa trồng cà phê xen canh tiêu và các loại cây ăn trái, kết hợp chăn nuôi… mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 300 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình ông Trung đã vươn lên làm giàu trên quê hương thứ 2 của mình.

Phấn khởi trước những thành công của gia đình, ông Lê Ngọc Trung cho biết, từ ngày được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư cây giống theo chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế của gia đình ông ngày một phát triển. Năm vừa rồi ông tiếp tục đăng ký nhận thêm 200 cây giống cà phê và cây ăn quả như cam, quýt… để mở rộng sản xuất. Bên cạnh hỗ trợ cây giống, theo ông Trung, kỹ thuật chăm sóc cây trồng cũng được chính quyền và ngành chức năng ở địa phương quan tâm hỗ trợ.

Là người cũng nhận được nhiều hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, chị Cao Thị Kim Huệ (xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: Giờ đây, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và có nơi ăn chốn ở ổn định. Tất cả đều nhờ vào sự giúp đỡ tích cực từ chính quyền, đoàn thể các cấp tại địa phương.

Chị Huệ cho biết: “Năm 2012, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, xã có hỗ trợ cho tôi một con bò. 2 năm sau xã tiếp tục hỗ trợ cho tôi 50 triệu đồng để xây nhà và thêm 10 triệu nữa để phát triển kinh tế. Nhờ nguồn hỗ trợ này, gia đình tôi đến năm 2018 đã chính thức thoát nghèo”.

Nói về những nỗ lực giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, bà Ngô Thị Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết: Toàn xã có khoảng 3.000 hộ với hơn 12.800 nhân khẩu. Những năm trước, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2011, khi tỉnh Đắk Nông bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Nam Đà đã khẩn trương lập quy hoạch chi tiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đổi mới bộ mặt nông thôn. Trong đó, tập trung hỗ trợ nguồn vốn, cây trồng vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật cũng như định hướng cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Cạnh đó, xã cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện để người dân vươn lên trên mặt trận kinh tế và phát triển đời sống vật chất, tinh thần.

Theo bà Phương, sau hơn 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ khởi điểm chỉ đạt 3/19 tiêu chí, đến cuối năm 2017 xã Nam Đà đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo của địa phương đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 4,2%.

Bà Ngô Thị Phương khẳng định: Nam Đà luôn chú trọng phát triển kinh tế cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, để người dân đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó xã cũng hỗ trợ về kỹ thuật con giống, cây trồng vật nuôi để người dân phát triển. Qua công tác thực hiện, hiện xã đã về đích nông thôn mới với mức thu nhập của bà con là 42 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ có Nam Đà, tại huyện Krông Nô, mặc dù là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông, nhưng khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương khác trong huyện đã từng bước tìm ra đúng hướng đi hiệu quả thông qua việc hỗ trợ, định hướng để người dân phát triển kinh tế. “Ban đầu, hầu hết các xã trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đa số các xã chỉ đạt từ 2 đến 3 tiêu chí nông thôn mới. Thế nhưng, sau hơn 8 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Krông Nô chúng tôi đã đạt được những kết quả tích cực. Toàn huyện hiện đã có 1 xã về đích nông thôn mới; với các xã còn lại cũng đang nỗ lực để chuẩn bị về đích. Đến cuối năm 2018, trung bình các xã đạt 12,45 tiêu chí, không có xã dưới 5 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người hơn 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,6%...; cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, khang trang” - ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết thêm.

Cũng theo ông Danh, để duy trì và phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, trong thời gian tới, UBND huyện yêu cầu các địa phương trong huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm nghèo, tăng cường công tác định hướng, tuyên truyền trong nhân dân. Đặc biệt, huyện đang chỉ đạo các xã tiếp tục rà soát hộ nghèo để có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo phù hợp nhằm giảm nghèo bền vững; đồng thời cũng rà soát, phân loại các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở đó có mức hỗ trợ đầu tư, giúp các xã hoàn thành các tiêu chí có liên quan. “Mục tiêu lớn nhất của chương trình Xây dựng nông thôn mới mà huyện chúng tôi đặt ra là hoàn thiện hạ tầng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, các địa phương vừa tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, vừa lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo”- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Nguyễn Xuân Danh khẳng định.
 


Xây dựng đường bê tông nông thôn tại Đắk Nông. (Ảnh: Báo Đắk Nông)

Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bằng việc hỗ trợ cây giống, vật nuôi mà việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; tập trung làm giao thông gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… là những biện pháp quan trọng được các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo.

Nói về những thành công của tỉnh, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng: Quan điểm của địa phương là một khi người dân ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo thì họ sẽ đóng góp để xây dựng nông thôn mới sẽ nhiều và bền vững hơn. Chính vì thế, ban đầu địa phương phải hỗ trợ để dân thoát nghèo, phát triển kinh tế; đồng thời quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để nông thôn mới thay đổi diện mạo, phát triển bền vững. Bằng cách làm  này và có sự đồng thuận của toàn dân nên đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ kết quả này cũng đã có tác động mạnh mẽ đến công tác giảm nghèo ở địa phương. Cụ thể, đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 14%, giảm gần 3% so với năm trước; đã có 35/61 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng/người/năm, có 41/61 xã đạt tiêu chí về thu nhập; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế…. ở các vùng nông thôn trong tỉnh được quan tâm đầu tư đồng bộ. Từ đó làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn của tỉnh hiện nay.


Theo Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
EMC Đã kết nối EMC