Năm 2019, là năm ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nặng nề về thiên tai, dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi... nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, sát sao của HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, sự nỗ lực của nhân dân và sự tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, làm tốt công tác tham mưu với tỉnh thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của ngành nông nghiệp, đã góp phần hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu trong năm 2019.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7.204 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 314.162 tấn, tăng 6.669,3 tấn so với năm 2018, đạt 103% so với kế hoạch. Đồng thời, năm 2019 là năm đại thành công trong xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ yếu như: quế, chè, sắn, các sản phẩm từ gỗ… và giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 57 triệu USD, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.
Đồng thời, đã thực hiện 29 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với vùng nguyên liệu; triển khai hiệu quả và hầu hết các địa phương thực hiện chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng và phát triển được 8 sản phẩm/5 sản phẩm OCOP, đạt 160% kế hoạch.
Nhờ việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và sản xuất hàng hóa thị trường gắn với chuỗi giá trị, nên giá trị sản phẩm trên 1 ha đất đạt 61 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với năm 2018); giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 140 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so với năm 2018.
Đặc biệt, đối với những diện tích sản xuất tập trung hàng hóa khối lượng lớn đều cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ năm. Trong XDNTM, đã có thêm 24 xã đạt chuẩn NTM vượt 9,09%, Trấn Yên đạt huyện NTM và thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nghĩa vụ XDNTM. Toàn tỉnh thành lập mới 86 hợp tác xã (HTX), đưa tổng số HTX toàn tỉnh lên 406 HTX, trong đó, có 241 HTX nông nghiệp; thành lập mới 2.304 tổ hợp tác, đưa số tổ hợp tác toàn tỉnh lên 3.140 tổ.
Tiếp tục duy trì 18 trang trại, trong đó, 16 trang trại chăn nuôi và 2 trang trại trồng cây ăn quả có múi. Ngành nghề nông thôn phát triển mạnh và đã tổ chức công nhận 12 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, nhưng đến cuối năm, tỉnh đã khống chế được hoàn toàn và bắt đầu chăn nuôi trở lại theo hướng an toàn, chăn nuôi sinh học...
Kết quả đạt được năm 2019, là nền tảng quan trọng cho phát triển trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, năm 2020, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với XDNTM.
Tiếp tục mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả.
Sản xuất lâm nghiệp, chú trọng phát triển tốt khâu giống và trồng rừng gỗ lớn để phát triển canh tác rừng bền vững; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và làm tốt phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả; xây dựng đề án hỗ trợ phát triển cây gỗ lớn tỉnh Yên Bái cho giai đoạn tiếp theo. Trong lĩnh vực thủy sản, phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch và đảm bảo yếu tố về bảo vệ môi trường nước ở các vùng nuôi tập trung.
Đối với XDNTM, phấn đấu hoàn thành trên 10 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tổ chức chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3 sao đến 4 sao) cho khoảng 50 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo Yên Bái