Với những kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, đời sống nông dân Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn dự kiến năm 2018 đạt 46 triệu đồng/năm.
Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 86,06%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016), giảm xuống còn dưới 2,57% (năm 2017), dự kiến năm 2018 còn khoảng 2,1%.
Đến nay, toàn Thành phố có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Sóc Sơn có 9 mô hình, Thanh Oai có 9 mô hình, Phúc Thọ có 8 mô hình, Đông Anh có 8 mô hình, Đan Phượng có 8 mô hình,... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Xác định việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn Thành phố Hà Nội có 118 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng 47 mô hình liên kết so với cuối năm 2017. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình liên kết như Ứng Hòa có 21 mô hình, Gia Lâm 18 mô hình, Đông Anh có 14 mô hình, Quốc Oai có 9 mô hình, Sóc Sơn có 9 mô hình, Mỹ Đức có 8 mô hình, huyện Chương Mỹ có 7 mô hình,.....
Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, đến nay, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng trưởng khá, ước tăng 3,33% so với năm 2016, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn, tăng tỷ trọng sản phẩm có lợi thế và giá trị cao.
Diện tích lúa 179.546 ha giảm 10.316 ha, sản lượng ước đạt 1.028,5 nghìn tấn, giảm 59,5 nghìn tấn; trong đó diện tích lúa chất lượng cao 87.500 ha tăng 6.500 ha, sản lượng ước đạt 516,25 nghìn tấn tăng 70,75 nghìn tấn (tăng 15,8%).
Diện tích cây ăn quả ước đạt 19.000 ha tăng 1.224 ha, sản lượng đạt 240 nghìn tấn tăng 11,6 nghìn tấn (tăng 5,07%).
Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 22.200 ha, tăng 1.000 ha (tăng 4,72%), sản lượng nuôi ước đạt 115.000 tấn tăng 21.382 tấn (tăng 22,84%)….
Hà Nội hiện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, cụ thể: duy trì được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao; 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung; 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 4.294 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư (tăng so với năm 2017 là 484 trại); xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao….
Được biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đang trình bản kế hoạch dự thảo nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới, một trong những nhiệm vụ đó là tiếp tục thực hiện các mục tiêu tổng quát của ngành nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016 – 2020 là “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị tăng cao, trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn”.
Theo đó, đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 2,5% – 3%; giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp theo giá cố định tăng 3,19%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 131,15 triệu đồng, tăng 8,9% so với năm 2018; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 30 xã trở lên.
Theo chinhphu.vn