Mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hoá cao, cơ cấu ngành nông nghiệp giảm mạnh, song với quyết tâm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, huyện Gia Lâm đã thực hiện dồn điền đổi thửa đạt 1.174ha, đồng thời, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho 100% nông hộ.
Sau dồn điền đổi thửa, huyện tập trung quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Hơn 7 năm qua, đã phê duyệt 75 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, hộ gia đình với tổng diện tích trên 1.000ha. Toàn huyện đã hình thành được 123 trang trại, gia trại chăn nuôi xa khu dân cư, 17 mô hình nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương tăng bình quân 1,18%/năm. Giá trị canh tác bình quân trên 1 hécta đất nông nghiệp đạt 212 triệu đồng (tăng 3,4 triệu đồng/ha so với năm 2015). Đến nay, huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các tiêu chí huyện NTM theo quy định tại Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ, huyện cũng đã hoàn thành và đang chờ thành phố xem xét thẩm định.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện hiện đã đạt trên 42 triệu đồng/năm.
Để nâng cao đời sống cho nông dân, huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức các giải pháp hỗ trợ trực tiếp trong công tác giảm nghèo và đã đạt được kết quả tốt. Toàn huyện đã giảm được 281 hộ đạt 216,15% chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,0%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5% (trong đó có 70,71% được sử dụng nước sạch). Hình thức an táng từ hung táng sang hỏa táng ngày càng tăng, đạt 64,6% và an táng đúng nơi quy định.
Huyện đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các trạm y tế xã, các nhà văn hóa thôn, xóm, các trường học, hệ thống giao thông nông thôn, công trình thể thao, các công trình vui chơi,... để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân.
Để có được kết quả đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy và UBND huyện đã có những chỉ sát sao. Trong đó, Huyện ủy Gia Lâm đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của huyện gồm 29 thành viên. BCĐ đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên, chỉ đạo duy trì và củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đạt chuẩn NTM gắn với thực hiện trật tự và văn minh đô thị.
Ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế, xây dựng NTM và công tác dồn điển, đổi thừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và các hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng tăng cường quản lý, kiểm tra quá trình thực hiện xây dựng NTM không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, để phấn đấu là huyện NTM, Huyện ủy, UBND huyện đã và đang tập trung giải quyết một số tồn tại khó khăn. Trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường và hoàn thiện các tiêu chí về trường học (hoàn thành 3 trường THPT đạt chuẩn).
Ông Nguyễn Ngọc Thuần cũng cho biết thêm, để phấn đấu hoàn thành huyện NTM năm 2018, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành của thành phố lấy ý kiến người dân về huyện NTM. Liên quan đến vấn đề môi trường "huyện sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề ô nhiễm, hoàn thiện việc thu gom xử lý nước thải ở các khu công nghiệp. Trong đó kết hợp thu gom rác thải gắn với dự án cải tạo làm sạch sông Cầu Bây theo hướng xã hội hóa". Huyện sẽ đề xuất thành phố được làm chủ đầu tư một số dự án xử lý ô nhiễm môi trường để tăng tính chủ động. Tiếp tục triển khai các dự án về vườn hoa cây xanh, xây dựng ao hồ, trung tâm văn hóa thể thao, nhà văn hóa, sân thể thao… để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí là huyện xây dựng NTM.
Theo Hà Nội portal