Thanh Trì nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới

Thứ sáu, 15/09/2017 14:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đến cuối năm 2015, toàn bộ 15 xã của huyện Thanh Trì đã về đích nông thôn mới. Huyện đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, để sớm được công nhận là huyện nông thôn mới trong năm nay.

Ao xóm 1, xã Yên Mỹ (Thanh Trì) được người dân cải tạo khang trang, sạch đẹp.

Thanh Trì là vùng có địa hình trũng thấp, thường xuyên bị úng ngập khi có mưa lớn. Vì vậy, nhiều người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp, ngại đầu tư mở rộng sản xuất; trong khi công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau thu hồi đất phục vụ các dự án gặp khó khăn. Đáng chú ý, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các dòng sông chảy qua địa bàn đã cản bước về đích huyện nông thôn mới giai đoạn một. Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết, sau khi huyện Đan Phượng được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố, Thanh Trì cùng với huyện Đông Anh thuộc nhóm hai, đủ điều kiện và được thành phố đề xuất Trung ương công nhận huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, việc trao danh hiệu huyện nông thôn mới cho Thanh Trì bị chậm lại vì tiêu chí về môi trường chưa đạt, khiến lãnh đạo huyện rất băn khoăn, trăn trở. Vì thế, Huyện ủy Thanh Trì đã ban hành Nghị quyết số 07, ngày 22-4-2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện và Đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường. UBND huyện có kế hoạch chỉ đạo toàn huyện ra quân tổng vệ sinh vào sáng thứ bảy hàng tuần; giao từng đoàn thể làm nòng cốt thực hiện mỗi tuần. Cụ thể: Đối với việc cải tạo sông Nhuệ và sông Tô Lịch, các cấp, các ngành, đơn vị đóng trên địa bàn ra quân tổng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, đào đắp ta-luy hai bên bờ sông, vận động được gần 500 hộ dân tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng, trả lại đất công, di dời các bãi tập kết vật liệu; cắm cọc tiêu, làm đường giao thông, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên bờ sông để chống lấn chiếm.

Cùng với đó, UBND thành phố đã khởi công xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá, dự kiến năm 2019 hoạt động, sẽ xử lý toàn bộ nguồn nước thải của thành phố để cấp trở lại vào các nhánh sông, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước các dòng sông trên địa bàn. Đối với môi trường trong khu dân cư, huyện đã xây dựng đồng bộ các điểm tập kết rác thải; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải chuyên nghiệp, bảo đảm rác thải không tồn đọng qua ngày. Một điểm sáng trong công tác cải tạo môi trường tại huyện Thanh Trì trong thời gian qua là xã hội hóa thành công việc cải tạo, nạo vét, làm lan-can, đường dạo và trồng hoa, cây xanh ven các ao, hồ trong khu dân cư. Chỉ sau gần hai năm thực hiện, đến nay trên địa bàn huyện đã có 14 hồ, ao tù, nước đọng, ô nhiễm nghiêm trọng trở thành các địa điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, góp phần thay đổi diện mạo, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Đi đôi với cải tạo môi trường, huyện Thanh Trì sớm hoàn thành dồn điền đổi thửa, cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các vùng sản xuất tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng lúa chất lượng cao hơn 350 ha tại các xã: Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Đại Áng; vùng trồng rau an toàn và VietGAP gần 200 ha tại hai xã: Yên Mỹ, Duyên Hà; vùng nuôi trồng thủy sản gần 200 ha tại các xã: Đại Áng, Đông Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của huyện đạt gần 36 triệu đồng.

Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì trong thời gian qua, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, trong giai đoạn một, Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở toàn bộ 15 xã. Bước vào giai đoạn hai, với yêu cầu, chất lượng các tiêu chí cao hơn, huyện Thanh Trì đã chủ động nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là thực hiện chiến dịch cải tạo môi trường, nhận được sự đồng thuận của người dân. Theo kết quả lấy ý kiến của người dân vừa qua, hơn 94% số người dân trong huyện đều bày tỏ sự hài lòng về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Mới đây, trong buổi kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đánh giá cao kết quả phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân của huyện Thanh Trì. Với cách làm đổi mới, sáng tạo, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, huyện đã phát huy được sức mạnh, sự đồng thuận của người dân, tạo sự đổi thay thực chất trong nông thôn. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo, huyện Thanh Trì trong thời gian tới cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống người dân một cách bền vững; giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nhất là tiêu chí môi trường, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị; thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, văn minh trật tự đô thị.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)