Những phố trong làng
Đi dọc tuyến quốc lộ qua các huyện Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du... đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà khang trang, san sát hai bên đường. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên về mật độ những “đô thị trong làng” ở đây. Những “phố trong làng” mang dáng dấp hiện đại đã thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành chia sẻ: Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Bắc Ninh tuy đã có những bước phát triển nhất định nhưng công tác quy hoạch, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của người dân còn nhiều bất cập. Với mục tiêu tạo cho nông thôn một diện mạo văn minh, văn hóa, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, thì công tác quy hoạch phải đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại. Ngay sau khi chương trình được triển khai, các địa phương tích cực thực hiện việc lập quy hoạch NTM theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Tất cả 97 xã trong tỉnh đã sớm hoàn thành việc lập, công bố và ban hành quy định quản lý quy hoạch trên địa bàn, đồng thời cắm mốc chỉ giới theo quy hoạch được duyệt. Cùng với sự ủng hộ, chung tay góp sức của người dân, sau bảy năm thực hiện, nông thôn ở Bắc Ninh thật sự khởi sắc.
Tiên Du là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Chia sẻ kinh nghiệm giúp Tiên Du sớm “cán đích” NTM, Chủ tịch UBND huyện Lê Xuân Lợi cho rằng: Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM là yếu tố quyết định cho sự thành công của chương trình. Ngay từ đầu, chúng tôi tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân thật sự làm chủ thể. Cán bộ ở các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân. Cán bộ phải là tấm gương để người dân noi theo. Tại Tiên Du, nhiều cán bộ xã, thôn là những người đầu tiên hiến đất, đóng góp tiền, công lao động để xây dựng NTM, nhờ vậy mà sự đồng lòng của người dân được nhân lên rộng khắp. Chúng tôi nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, quan tâm lợi ích thiết thực của người dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện ở địa phương.
Trong các địa phương về đích sớm, Việt Thống (huyện Quế Võ) là xã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí NTM từ cuối năm 2015. Một trong những yếu tố quyết định tới thành công chính là sự đồng lòng từ phía người dân. Tính đến nay có hơn 400 hộ dân tình nguyện hiến 85.900 m2 đất làm đường. Nhờ vậy, toàn bộ đường giao thông của xã đã được kiên cố hóa. Ông Nguyễn Văn Bài, một trong hàng trăm gia đình tình nguyện hiến đất ở thôn Yên Ngô cho biết: Mới đầu, khi chính quyền vận động người dân hiến đất để làm đường, chúng tôi cũng rất băn khoăn. Nhiều hộ dân không đồng tình vì tự nhiên bị mất đất, lại không được đền bù. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ tận tình tuyên truyền, hiểu được chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân Yên Ngô đã đồng lòng hiến đất, góp tiền, góp công lao động để xây dựng những con đường rộng hơn, đẹp hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả đường làng ngõ xóm, đường trục thôn đều được đổ bê-tông và mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại. Bây giờ xây nhà, làm các công trình mới, chúng tôi đều theo quy hoạch. Nghe tin tỉnh Bắc Ninh phấn đấu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bà con ai cũng phấn khởi và tự ý thức việc phải “đi tắt đón đầu”, để khi làng lên phố, Bắc Ninh đã có nền tảng vững chắc từ trong dân.
Đầu tư vào những tiêu chí trọng điểm
Bắc Ninh là địa phương có nhiều thuận lợi về nguồn lực dành cho xây dựng NTM. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, trong tổng số 5.288 tỷ đồng cho chương trình, ngân sách địa phương đã là 2.888,6 tỷ đồng (chiếm 52,6%), ngân sách trung ương 244,6 tỷ đồng; còn lại từ các nguồn vốn khác.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đại cho biết: Từ khi thực hiện chương trình, tỉnh sớm xác định các mục tiêu trọng điểm. Cụ thể, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, ưu tiên đầu tư các tiêu chí: y tế, giáo dục và nước sạch, môi trường, đẩy mạnh sản xuất nâng cao đời sống người dân... Trong giai đoạn 2010-2015 tỉnh phân bổ nguồn vốn cho phát triển sản xuất là 1.176 tỷ đồng, giao thông: 1.153 tỷ đồng, giáo dục hơn 1.037 tỷ đồng, nhà ở dân cư 435,6 tỷ đồng.
Với quan điểm con người là nhân tố quyết định sự phát triển, trong quá trình xây dựng NTM tỉnh đặc biệt chú trọng công tác giáo dục. Bắc Ninh hiện là địa phương đầu tiên cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học ở mức độ cao nhất. Đồng thời, luôn đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu về phong trào giáo dục và kết quả thi đại học, cao đẳng. Đến nay 98,5% số phòng học các cấp được xây dựng kiên cố; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 94,44%, cao nhất cả nước. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày một nâng cao, 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn. Nhờ vậy, toàn bộ 97 xã trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn tiêu chí giáo dục và đào tạo.
Để nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp. Toàn tỉnh hình thành được 60 vùng sản xuất tập trung. Bước đầu, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, như vùng trồng khoai tây cho thu nhập từ 70 đến 90 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cà-rốt cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm; vùng cà chua 180 triệu đồng/ha/năm; vùng hành tỏi 150 triệu đồng/ha/năm; vùng rau xanh 300 triệu đồng/ha/năm… Anh Nguyễn Đăng Cường (chủ trang trại tại xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành) chia sẻ: Gia đình tôi đầu tư trồng lúa, nuôi vịt trời và thả cá trên diện tích khoảng 59 ha. Số vốn quay vòng sản xuất rất lớn trong khi nguồn tài chính tự tích lũy lại chưa đủ để “vận hành” trang trại. Rất may mắn là ở những thời điểm khó khăn, chúng tôi được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Có được điểm tựa, người dân càng thêm yên tâm, quyết tâm gắn bó với ruộng đồng và có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại làng nghề Phù Khê, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: THANH TRÚC
Nhờ làm đến đâu chắc đến đó, xây dựng NTM ở Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43,5 triệu đồng/năm; 100% số xã đều đạt chuẩn y tế giai đoạn 1; Tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%, các xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2 chiếm 92,8%.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM một số địa phương mới chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, phương thức sản xuất vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Nhiều xã đã đạt chuẩn nhưng lại chưa xây dựng được phương án phát triển một cách bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho rằng: Trong vòng 5 năm tới, là giai đoạn tập trung hoàn thành NTM, đồng thời cũng là giai đoạn tỉnh xây dựng, đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022. Vì vậy, ngay từ bây giờ trong quá trình xây dựng NTM nhiều huyện, xã phải đáp ứng được các tiêu chí trở thành quận, phường. Đây là một thách thức mới. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh, tôi tin khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Theo Nhân dân điện tử