Từ thực tiễn triển khai, một số địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn. Nhiều điển hình như tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 11.000 ha xoài, hơn 3.800 ha bưởi da xanh; huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 16.300 ha vải thiều; Hưng Yên có khoảng 4.000 ha nhãn; huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.800 ha trồng cây có múi, trong đó diện tích trồng cam hơn 1.650 ha...
Tại miền Bắc, nhiều mô hình cây vụ đông có giá trị cao đạt 300-400 triệu đồng/ha như ở Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình... Cùng với đó, phát triển các mô hình NTM gắn với sản xuất nông nghiệp sạch theo quy trình chuẩn, hình thành chuỗi liên kết như ở Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng, Vĩnh Long... Hay mô hình NTM rất hiệu quả là gắn với du lịch sinh thái như ở Quảng Ninh, Ninh Bình, TP. Cần Thơ, Sơn La, Lao Cai, Bắc Kạn, Thừa Thiên-Huế... cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay, cả nước có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế, trong đó mới có 1.086 sản phẩm (khoảng 22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 (14,4%) sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là tiềm năng và dư địa rất lớn để có thể triển khai thành công Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn truyền thống văn hoá của từng vùng miền.
Về Tổ chức sản xuất, trong năm 2017, các địa phương đã quan tâm, chú trọng hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các địa phương cũng chủ động bố trí nguồn lực từ Chương trình nông thôn mới để hỗ trợ phát triển HTX (vốn ngân sách Trung ương được các địa phương bố trí tăng gấp 7 lần, từ 22 tỷ đồng lên 154 tỷ đồng), trong đó, ưu tiên củng cố những HTX đã có ở các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020 và tích cực vận động thành lập mới ở những xã chưa có HTX nông nghiệp.
Đến nay, cả nước có 30 liên hiệp HTX nông nghiệp và 11.668 HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng; Số lượng HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã cũng tăng lên từ dưới 10% trước đây lên 20,5%.
Qua quá trình phát triển các HTX, đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các liên hiệp HTX, HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, có doanh thu trên 10 tỷ/năm, như: HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng); HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An (tỉnh Tiền Giang); HTX dịch vụ nông nghiệp An Viễn (tỉnh Đồng Nai); HTX thủy sản Cái Bát (huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau); HTX thương mại-dịch vụ-sản xuất-chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, (TP. Hồ Chí Minh); HTX nông nghiệp Evergrowth (tỉnh Sóc Trăng), HTX chăn nuôi Quý Hiền (tỉnh Lào Cai)…
Một số doanh nghiệp Chợ đầu mối, Trung tâm tiêu thụ nông sản lớn đang dần phát triển hệ thống chuỗi liên kết cung ứng nông sản từ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - SATRA, Công ty TNHH MTV PROTON, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam - UCAmart...). Tỉnh Đồng Tháp đã hình thành được một số mô hình “Hội quán” hoạt động theo phương thức liên kết tự nguyện của người nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Dù mới bước đầu hoạt động, nhưng mô hình đã phát huy được hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng.
So với cuối năm 2016, cả nước có 62,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập (tăng 2,8%), 58,5% số xã đạt chuẩn tiêu chí Hộ nghèo (tăng 7,8%), 94,8% số xã đạt tiêu chí Lao động có việc làm (tăng 5,3%), riêng tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất có 71,2% số xã đạt (giảm 5,1% do rà soát lại theo yêu cầu mới của Bộ tiêu chí quốc gia).
Theo chinhphu.vn