Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; các Mẹ Việt Nam anh hùng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Gia Lâm qua các thời kỳ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia của Trung ương về xây dựng NTM, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm đã xác định: “Xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Kết quả, từ năm 2010 đến nay, huyện đã huy động nhiều nguồn lực, đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng để nâng cấp 227km đường giao thông và trục chính nội đồng; nâng cấp, cải tạo 13km kênh mương cấp 3; đầu tư đồng bộ 411,8km hệ thống chiếu sáng; cải tạo sửa chữa 59 điểm trường học và xây mới 92 điểm trường; xây dựng và cải tạo, sửa chữa 118 lượt nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; 20/20 xã có hệ thống truyền thanh không dây; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia.
Cùng với đó, huyện đã chú trọng công tác giữ gìn cảnh quan môi trường Xanh-Sạch-Đẹp. Hiện, Gia Lâm đang duy trì 47 tuyến đường kiểu mẫu, 13 đoạn đường bích họa, 123 đoạn đường nở hoa, 732 bồn hoa, 27 vườn hoa, sân chơi. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để kè 28 ao, hồ trên địa bàn.
Đặc biệt, huyện đã chú trọng phát triển nông nghiệp với “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016-2020”. Đồng thời, hỗ trợ 106 tỷ đồng đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Gia Lâm đã chuyển đổi hơn 1.400ha diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh; duy trì 407ha sản xuất rau an toàn; một số sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Rau Đặng Xá, Văn Đức; ổi Đông Dư, chuối Cổ Bi, quả Đa Tốn, Kim Sơn; rau cải Yên Viên, gạo nếp cái hoa vàng Dương Xá…
Từ xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, 20 xã đạt từ 7 đến 13 tiêu chí, trong đó, có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế-xã hội, hộ nghèo, môi trường… Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM (2010-2019), Gia Lâm đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM; huyện đạt 24/27 tiêu chí về kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chung; Thập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm.
Năm 2019, các chỉ tiêu về lĩnh vực văn hóa đều vượt so với kế hoạch: tỷ lệ hộ gia đình văn hóa 94%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa 96,8%. Năm 2019, đã có 3 tập thể, 01 cá nhân được khen thưởng cấp Nhà nước; 34 tập thể và 39 cá nhân khen thưởng cấp Thành phố; 570 tập thể và 1.057 cá nhân khen thưởng cấp huyện; 15 phòng, ban, đơn vị được UBND TP tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, huyện Gia Lâm được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Với những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thành phố trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập Hạng Ba (năm 2010); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1999, 2016); Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2014, 2017, 2018); Cờ thi đua xuất sắc của Thành phố (năm 2011, 2013, 2015, 2016); Huân chương Lao động hạng Ba về xây dựng NTM (năm 2019)…
Khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua năm 2019
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Huân chương lao động Hạng Ba; Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM cho huyện Gia Lâm; Trao Huân chương lao động Hạng Ba cho Văn phòng Huyện ủy; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện… Đồng thời, huyện Gia Lâm trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua năm 2019.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những thành tích xuất sắc của huyện Gia Lâm. Đồng chí nhấn mạnh: “Đón nhận bằng đạt chuẩn NTM và Huân chương Lao động của Chủ tịch nước là vinh dự, là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm”. Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị đảng bộ, chính quyền và nhân dân Huyện thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra; đồng thời, quan tâm thực hiện tốt việc chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ Huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận; phấn đấu huyện Gia Lâm đủ điều kiện thành Quận vào năm 2022.
Bên cạnh đó, quan tâm giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa. Quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; chăm lo thiết thực đến các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công; Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành nhiều tuyến đường nở hoa, tuyến đường kiểu mẫu, con đường bích họa trên địa bàn toàn huyện.
Huyện cũng cần chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ Huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; Tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ 22, đóng góp vào thành công Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm quan các gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của huyện
Trước khi khai mạc buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã thăm quan các gian trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu của huyện Gia Lâm như: Gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan, sản phẩm nông nghiệp xã Đa Tốn, xã Đặng Xá, Kim Sơn, Đông Dư, Phú Thị...
Theo Hà Nội portal