Phát huy hiệu quả vai trò của nông dân trong xây dựng Nông thôn mới

Thứ ba, 07/01/2020 10:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, với sự đóng góp của các cấp hội nông dân từ thành phố đến các cơ sở hội, đến nay, toàn thành phố có 325/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu.

Mô hình trồng rau sạch đã đem lại hiệu quả cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân - Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội, trong 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2019), các cấp Hội Nông dân thành phố đã xây dựng được trên 1,5 nghìn mô hình kinh tế tập thể; phát triển hơn 14,2 nghìn mô hình kinh tế hộ và xây dựng 783 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế. Đồng thời hỗ trợ nông dân xây dựng hơn 1,4 nghìn mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn.

Theo ông Thiều Văn Son, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân thành phố Hà Nội, để gắn kết, hỗ trợ phát triển kinh tế, thời gian qua Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể của địa phương như: Mô hình trồng nấm, trồng hoa ly, trồng cam canh, trồng đu đủ xã Song Phượng; mô hình trồng đu đủ xã Đan Phượng; mô hình chăn nuôi gà, trồng rau an toàn xã Phương Đình; mô hình trồng chuối Tây - Tiêu Hồng, chăn nuôi lợn xã Trung Châu, Hồng Hà; mô hình nuôi bò thịt và bò sinh sản…

Theo đánh giá của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, có thể thấy, các cấp Hội Nông dân đã chủ động tích cực thực hiện tốt các phong trào trong thi đua phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Đồng thời đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Từng bước hỗ trợ nông dân xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu nông sản như: Phật thủ, cam canh ở Hoài Đức, Nhãn chín muộn Đại Thành, huyện Quốc Oai; Bưởi tôm vàng Đan Phượng… Đối với việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 10 năm qua, hội viên, nông dân trong thành phố đã hiến hơn 415.000 m2 đất; đóng góp 4,5 triệu ngày công lao động; ủng hộ hơn 700 tỷ đồng làm giao thông và các công trình công cộng khác.

Với sự đóng góp của các cấp hội nông dân từ thành phố đến các cơ sở hội, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn thành phố có 325/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu. Ngoài 4 huyện đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, Hà Nội đã có thêm 2 huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới gồm: Gia Lâm và Quốc Oai, đưa Hà Nội đứng ở vị trí dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)