Thừa Thiên Huế: Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 21/07/2017 14:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp, bảo đảm tăng trưởng ổn định, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường và nâng cao đời sống cho người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020.

Mô hình trồng rau công nghệ cao ở thành phố Huế

Mục tiêu phấn đấu là tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm, tỷ lệ độ che phủ rừng 57%; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,6 - 1,9 lần so với năm 2016; đến năm 2020 có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 59%) và có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Thừa Thiên Huế là một tỉnh có cả 3 vùng gồm: đồng bằng, trung du- miền núi và biển, đầm phá. Trên cơ sở rà soát và đánh giá thực trạng sản xuất, tỉnh sẽ tập trung đầu tư để chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2020, ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 - 52.000 ha/năm, năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha, diện tích lúa chất lượng cao đạt 17.000 ha, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 98% diện tích gieo cấy, diện tích lúa cánh đồng mẫu lớn có liên kết trong tiêu thụ khoảng 5.500 ha; cây ăn quả khoảng 3.330 ha, trong đó cây bưởi thanh trà đạt 1.000 ha; sắn công nghiệp 7.500-8.000 ha; rau, củ, quả an toàn đạt 600 ha; lạc trên 3.600 ha, năng suất đạt từ 20-22 tạ/ha.

Về chăn nuôi, mở rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung cách biệt khu dân cư, đảm bảo điều kiện về môi trường; kết hợp chăn nuôi với trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp; phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cơ cấu lại các loại rừng theo hướng củng cố diện tích rừng đặc dụng hiện có, rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, đầu nguồn và rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió cát ven biển, đầm phá; ưu tiên mở rộng diện tích rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; chú trọng công tác giống cây lâm nghiệp, đầu tư thâm canh, trồng rừng gỗ lớn đạt 13.000 ha vào năm 2020 trong đó rừng được cấp chứng chỉ FSC 5.000 ha để từng bước thay thế dần gỗ rừng tự nhiên phục vụ nhu cầu dân dụng và cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, tăng giá trị rừng trồng. Diện tích đất có rừng toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 293.240 ha, trong đó: diện tích rừng sản xuất 128.435 ha.

Phát triển nuôi trồng thủy sản tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái. Ổn định diện tích nuôi đầm phá hiện có 3.300 ha. Áp dụng cấp chứng nhận thí điểm cho các cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ; phát triển vùng nuôi tôm trên cát lấy tôm thẻ chân trắng là đối tượng sản xuất chủ lực để phục vụ xuất khẩu. Từng bước mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 900 ha vào năm 2020 với sản lượng nuôi đạt khoảng 13.500 tấn.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, vận động các nguồn lực để tăng nhanh đội tàu xa bờ từ 400 chiếc hiện nay lên 600 chiếc vào năm 2020 có hầm bảo quản tiên tiến, hiện đại và có đầy đủ trang bị kết nối định vị vệ tinh. Áp dụng thực hiện mô hình khai thác tiên tiến. Xây dựng hoàn thành quy hoạch khai thác hải sản và hậu cần nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.Triển khai thực hiện tốt chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP); khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống vùng đồng bào dân tộc.

Về giải pháp, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng tạo vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô thích hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó triển khai mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng ít nhất 01 mô hình/năm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có liên kết. Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng các loại hình đào tạo nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, cán bộ kỹ thuật cấp xã, thôn bản, các doanh nghiệp, các trang trại sản xuất..../.


Theo Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)