Áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới tại 4 huyện Cao nguyên đá

Thứ tư, 12/07/2017 11:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vùng Cao nguyên đá (CNĐ) của Hà Giang gồm 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Đây là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông, La Chí, Nùng, Lô Lô, Hoa, Giấy…Hiện nay, 4 huyện CNĐ nằm trong diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Trung tâm xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ trên Cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Văn Phú)

Do vùng CNĐ là Công viên địa chất toàn cầu, nên quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ song hành với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản. Vì vậy, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại vùng CNĐ sẽ có những cách làm mang tính đặc thù, do vùng CNĐ của Hà Giang khác biệt so với các Công viên địa chất trên thế giới, đó là có cư dân sinh sống. Từ thực tiễn đó đặt ra cho Hà Giang làm sao để triển khai hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại 4 huyện CNĐ gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.

Tính đến thời điểm tháng 6/2017, trên vùng CNĐ mới có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Đông Hà huyện Quản Bạ và xã Mậu Duệ huyện Yên Minh. Riêng 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc đang phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi huyện có 01 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Do 4 huyện CNĐ nằm trong diện huyện nghèo, địa hình chia cắt mạnh nên xuất phát điểm kinh tế thấp và các tiêu chí như môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, đường giao thông… gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trên ¾ diện tích đất đai tự nhiên là đá, nguồn đất canh tác ít, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của 4 huyện CNĐ là 60,03% - theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ)…đó là những trở ngại và thách thức lớn trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại 4 huyện CNĐ.

Ông Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Triển khai xây dựng nông thôn mới tại khu vực CNĐ cần phải có cách làm riêng mang tính đặc thù, có những tiêu chí không thể áp dụng theo quy định chung được. Đơn cử như huyện Mèo Vạc, nếu áp dụng theo tiêu chí quy định thì rất khó thực hiện, cụ thể như việc xây nghĩa trang nhân dân tập trung sẽ không thể thực hiện được vì người dân ở rải rác chủ yếu trên các sườn núi và địa hình chia cắt mạnh, nguồn đất tập trung rất hiếm…

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng vùng CNĐ lại có lợi thế trong phát triển du lịch; trong những năm qua, vùng CNĐ đã đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ đang hướng đến mục tiêu xây dựng CNĐ trở thành khu du lịch của cả nước. Ngày 07/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 438/QĐ – TTg về Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn toàn Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030. Vì vậy, có những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên vùng CNĐ không nhất thiết phải cố gắng thực hiện bằng được, trong khi những mục tiêu quan trọng cần tập trung như công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với khai thác giá trị di sản, tiềm năng, lợi thế nhằm phục vụ cho phát triển du lịch – dịch vụ.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu – CNĐ Đồng Văn cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên vùng CNĐ thì cần phải có cách làm mang tính đặc thù để bảo đảm vừa nâng cao đời sống của đồng bào, vừa phải giữ được bản sắc của CNĐ. Công việc quan trọng hiện nay là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị di sản; qua đó, sẽ thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch – dịch vụ, từ đó sẽ tạo nguồn sinh kế nâng cao đời sống cho người dân, đến khi đó các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên CNĐ mới thực sự hiệu quả và bền vững./.


Theo Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)