Là một trong những tỉnh khó khăn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ hộ nghèo nằm trong tốp cao nhất của cả nước. Thế nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự sáng tạo trong cách triển khai thực hiện của chính quyền, sự đồng lòng hưởng ứng từ phía người dân, tỉnh Sóc Trăng dần khắc phục những khó khăn, từng bước vươn mình bứt phá. Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tỉnh đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật.
Trong những ngày cuối năm, trở lại vùng chuyên canh màu của xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên người dân đang rất tất bật và khẩn trương chăm sóc rau màu để kịp bán tết. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lý Thị Ma-ri ở ấp Trà Mẹt cho biết, từ khi hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đặc biệt là tuyến lộ giao thông nông thôn được đầu tư kết nối các tuyến lại với nhau, việc tiêu thụ nông sản của bà con thuận lợi hơn hẳn, thương lái đến mua tận vườn, giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển.
“Mình muốn bán là có người ta lại mua tới rẫy, người ta lại mua tại chỗ nên mình khỏi mang đi tốn thêm phí. Mình cắt xong là có người xuống cân và bỏ vào giỏ là xong”.
Giao thông nông thôn hoàn chỉnh.
Để tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa vùng nông thôn, bên cạnh nhiều tuyến đường trọng điểm, huyết mạch được đưa vào khai thác, hệ thống giao thông nông thôn cũng được Sóc Trăng đầu tư mạnh mẽ. Chỉ trong 10 năm qua, gần 3.000km đường và hơn 15.600m cầu được đầu tư với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Không chỉ xe gắn máy mà xe bốn bánh đều đến được trung tâm các xã vùng sâu trong tỉnh.
Để tô thêm vẻ mỹ quan của nông thôn mới, phong trào mỗi xã một tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu được phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân. Trên tuyến đường dài hơn 2 km vừa được xây dựng tại ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu hai bên đường đã được phủ đầy những bông hoa đủ màu sắc.
Ông Trần Thanh Hùng, ấp Năm Căn, chia sẻ, khi người dân đã nhận thức được, mỗi người một phần việc, người thì tìm hoa, người thì hưởng ứng trồng, giờ đây nông thôn mới đã hiện hữu rất rõ ở làng quê này.
“Xây dựng nông thôn mới đó thì cũng là trách nhiệm của mọi người dân. Người dân mình tự thấy làm sao cho quê hương mình đẹp lên”, ông Tùng nói.
Nhờ cây màu mà nhiều hộ vươn lên ổn định đời sống.
Bên cạnh quan tâm đầu tư các công trình dân sinh, các mô hình làm kinh tế hợp tác cũng rất được Sóc Trăng chú trọng và dần thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nông dân. Kinh tế hộ dần chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đối với một tỉnh có khoảng 70% dân số sinh sống nhờ nghề nông thì sự chuyển dịch này góp phần rất lớn để thay đổi tư duy làm ăn riêng lẻ hướng đến sự hình thành những vùng sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Hiện toàn tỉnh có 1 liên hiệp hợp tác xã với 4 hợp tác xã thành viên cùng 142 hợp tác xã, hơn 1.100 tổ hợp tác đang hoạt động. Các hình thức tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng, dần hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao tạo thuận lợi trong tiêu thụ hàng nông sản cũng như xuất khẩu. Trong đó, có 19 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo mô hình VietGap với diện tích gần 600 hecta; 8 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, VietGap với diện tích hơn 400 hecta. Phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác này đều có doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm.
Cuối năm ngoái, lô hàng vú sữa tím đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng do các thành viên HTX nông nghiệp Trinh Phú, huyện Kế Sách trồng xuất khẩu thành công sang Mỹ, một thị trường rất khó tính. Đây được xem là bước ngoặt để người nông dân tin tưởng hơn khi sản xuất theo mô hình VietGap thay vì sản xuất theo hình thức thông thường như trước.
Ông Lê Văn Nở, Thành viên HTX Nông nghiệp Trinh Phú, phấn khởi: “Nói chung ai cũng phấn khởi bởi vì trái vú sữa mình xuất sang Mỹ. Bình thường giá bán ra thị trường chỉ có 15.000, có khi khi xuống 10.000, giờ bán được 30.000 nên bà con nông dân rất vui vì được giá”.
Lớp học sạch sẽ.
Bên cạnh thị trường Mỹ, hợp tác xã hiện còn đang phối hợp với các đơn vị tìm đối tác xuất khẩu sang thị trường các nước khác. Sự thành công trong bước đầu tìm kiếm thị trường đã góp phần đưa loại quả ngọt của tỉnh Sóc Trăng ngày càng đi xa và góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân gắn bó với loại cây trồng này.
Qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 40 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 2 xã đang lập hồ sơ công nhận, các xã còn lại đạt từ 12-17 tiêu chí. Đến cuối năm nay, có 2 xã công nhận xã nông thôn mới nâng cao và thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. So với chỉ tiêu trung ương giao, Sóc Trăng thực hiện đạt và vượt.
Có được kết quả này, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Sóc Trăng là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy Tỉnh ủy đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, xác định những gì cần làm trước, những gì cần làm sau. Từ đó, dồn nguồn lực cộng với sự hỗ trợ của Trung ương và sự đóng góp của người dân để hoàn thành những phần cứng đầu tư cho chương trình nông thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trước, sau đó chúng tôi sẽ thực hiện những phần việc còn lại, chứ nếu đầu tư dàn trải thì sẽ không thể đạt được chỉ tiêu Trung ương giao”.
Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng.
Tuy đạt nhiều kết quả trong chặng đường 10 năm qua, tuy nhiên chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế đặt ra. Phần lớn các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước bị sụt giảm các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường. Tiến độ nâng chất mức độ đạt chuẩn các tiêu chí tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn chậm, hiện trên toàn tỉnh chưa có xã nào.
Để khắc phục những hạn chế cũng như xây dựng nông mới trong giai đoạn tiếp theo mang lại những thành tựu nổi bật hơn, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm và tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ nông thôn mới, với tinh thần, nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, tam nông là chiến lược và là chủ thể. Toàn đảng bộ tỉnh Sóc Trăng quyết tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu, toàn tỉnh đạt 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 25% xã nông thôn mới được nâng cao và 10% xã nông thôn mới đạt chuẩn kiểu mẫu và 50% huyện, thị xã hoàn thiện xây dựng nông thôn mới”.
Xã nông thôn mới Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên.
Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, kết quả của chặng đường 10 năm qua mà tỉnh Sóc Trăng đạt được sẽ tiếp tục là tiền đề để thực hiện thành công trong giai đoạn tới. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sóc Trăng đặt kỳ vọng là làm sao thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL./.
Theo vov.vn