Huyện nông thôn mới đầu tiên theo “chuẩn mới”
Cuối năm 2016, các xã Bàu Hàm, Bình Minh và Hố Nai 3 chính thức đươc Hội đồng thẩm định NTM tỉnh công nhận đạt chuẩn. Ðây là 3 xã cuối cùng của huyện Trảng Bom hoàn thành xây dựng NTM. Với việc 16/16 xã “về đích” NTM, Trảng Bom đã trở thành địa phương cấp huyện thứ 6 trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM.
Tuy không nằm trong nhóm những địa phương sớm hoàn thành xây dựng NTM nhưng Trảng Bom lại có “mặt được” về chất lượng. Khác với chỉ tiêu 75% số xã đạt chuẩn ở 5 huyện NTM trước đó, do áp dụng theo bộ tiêu chí mới của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, để trở thành huyện NTM, tất cả các xã trên địa bàn huyện Trảng Bom bắt buộc phải đạt chuẩn.
Việc nâng chỉ tiêu số xã đạt chuẩn đòi hỏi Trảng Bom phải có sự phân chia hợp lý nguồn lực để hỗ trợ các xã thực hiện chương trình. Nếu như các huyện đi trước có thể triển khai theo hướng dồn sức cho những xã có điều kiện “về đích trước”, những xã khó khăn hơn sẽ hỗ trợ về sau thì điều này lại không thể áp dụng ở Trảng Bom. Xuất phát từ thực tế đó, ngay từ đầu, Trảng Bom đã xác định để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM cần phải phát huy được nguồn lực từ người dân.
Ðể cộng đồng cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM, phải nâng được mức thu nhập của từng hộ dân. Bởi, chỉ khi “vững” về kinh tế mới có thể đòi hỏi người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM. Từ định hướng đó, Trảng Bom đã tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu, với thế mạnh là địa phương chuyên canh các loại cây công nghiệp, Trảng Bom đã xây dựng và hình thành 13 vùng sản xuất tập trung trên địa bàn của 16 xã, với các loại cây trồng chính là tiêu, cà phê, điều… Ðặc biệt, huyện đã triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: dự án xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây điều tại xã An Viễn; mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao tại xã Sông Thao... Qua đó, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Với cách làm đó, dù diện tích đất nông nghiệp giảm qua từng năm (mỗi năm giảm từ 150 - 200 ha) nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 3,9%/năm. Năm 2016, giá trị bình quân thu nhập trên 1 ha đất tại Trảng Bom đạt trên 110 triệu đồng, tăng 39,5 triệu đồng/ha so với năm 2011. Kéo theo đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2016 nâng lên mức 52,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2011.
Ðời sống kinh tế được cải thiện đã thúc đẩy người dân tham gia tích cực hơn vào việc đóng góp tài, lực xây dựng NTM. Theo lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hành trình trở thành huyện NTM.
Phó chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Lê Văn Gọi đánh giá, việc huyện Trảng Bom hoàn thành chương trình xây dựng NTM đã đánh dấu bước chuyển về chiều sâu trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. “Với bộ tiêu chí mới của Chính phủ, đòi hỏi sự nâng cao về chất lượng trong quá trình thực hiện. Các địa phương buộc phải có sự phân phối về nguồn lực đồng đều cho tất cả các xã chứ không chỉ tập trung vào những xã có xuất phát điểm cao”, ông Gọi nhấn mạnh.
Người dân đóng góp hơn 4.200 tỷ đồng xây dựng NTM
Theo UBND huyện Trảng Bom, trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn huyện là hơn 9.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm hơn 10,5%, nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm hơn 43%, đạt hơn 4.200 tỷ đồng.
Nâng chất lượng nông thôn mới
Dù đang là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng NTM, tuy nhiên làm thế nào để chương trình thực sự bền vững, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho nhân dân là mục tiêu mà Ðồng Nai đang tiếp tục hướng tới.
Chính vì vậy, bên cạnh việc tập trung các giải pháp nâng số lượng các xã đạt chuẩn, Ðồng Nai cũng đang đẩy mạnh nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Việc tập trung đi sâu vào chất lượng, không chạy theo số lượng được thể hiện khá rõ qua các chỉ tiêu đề ra trong Bộ tiêu chí NTM của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, tỉnh đề ra mục tiêu về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 44 triệu đồng/người vào năm 2017 và tăng lên 59 triệu đồng vào năm 2020.
Ðặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu (nâng cao). Với các tiêu chí đổi mới này được xem là cơ sở, động lực để các xã đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững và thúc đẩy phong trào ở mức cao hơn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Thành Vinh cho biết, để nâng chất lượng phong trào, việc tập trung nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất theo hướng bền vững. “Hiện Sở đang triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn hướng đến thị trường xuất khẩu”, ông Vinh cho biết.
Cụ thể, theo ông Vinh, hiện Ðồng Nai đã triển khai các dự án cánh đồng lớn trên cây ca cao đã xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc; dự án cánh đồng lớn ca cao trồng xen canh trong vườn điều với quy mô cả ngàn ha thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia; đề án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ heo VietGAHP vào thị trường TP. Hồ Chí Minh với hàng trăm hộ chăn nuôi tham gia…
Ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu
Theo bộ tiêu chí dành cho xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020 do Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ngoài việc phải đảm bảo duy trì đạt các tiêu chí, chỉ tiêu khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, phải đạt thêm những tiêu chí, chỉ tiêu mới với yêu cầu ở mức cao hơn như: thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người vào năm 2016 và tăng lên 58 triệu đồng vào năm 2017; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 130 triệu đồng/năm và tăng lên 140 triệu đồng vào năm 2017.
Theo dongnai.gov.vn