Nông thôn thân thiện với môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Tại TP Hồ Chí Minh, không ít địa phương ngoại thành hiện đang “kẹt” với tiêu chí này, ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn thành phố.
Theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí 17 là những quy chuẩn về môi trường. Căn cứ theo quy định này, UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí theo đặc thù của thành phố (giai đoạn 2016 - 2020) theo hướng nâng cao chất lượng. Theo đó, đến năm 2020, môi trường một xã đạt chuẩn NTM phải đạt 100% hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia; các làng nghề phải đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% cơ sở chăn nuôi được cấp phép có chuồng trại hợp vệ sinh; không có các hoạt động làm suy giảm môi trường, có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp, trong đó có ít nhất 20% số hộ nông thôn có hàng rào bằng cây xanh; chất thải, nước thải được thu gom, xử lý theo quy định, không có bãi rác tự phát, người dân không xả rác, nước thải trực tiếp ra đường...
Việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất ở nông thôn ngoại thành tương đối thuận lợi, nhiều địa phương đã thực hiện khá tốt vấn đề này. Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại trong thực hiện tiêu chí môi trường chủ yếu là giải quyết rác thải sinh hoạt trong các hộ dân bởi không phải địa phương nào cũng thành lập được các tổ thu gom rác, hoặc để tình trạng thu gom, vận chuyển rác thải làm rơi vãi; thói quen xả rác bừa bãi ra đường, nơi công cộng vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân; tình trạng súc vật thả rông vẫn còn... Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường sống vùng nông thôn.
Việc khắc phục những tồn tại trên không phải là quá khó. Ngoài các khu xử lý chất thải tại chỗ do thành phố đầu tư xây dựng, việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi; mỗi tuần, các hộ dân dành 15 phút tự dọn dẹp đoạn đường ngay trước nhà mình có ý nghĩa quan trọng. Ở một số nơi không đủ điều kiện thu gom rác như xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, chính quyền địa phương còn hướng dẫn hàng trăm hộ gia đình tự xử lý rác thải bằng cách ủ phân... Đây là những việc làm không cần huy động sự đóng góp kinh phí của người dân nhưng vẫn đem lại kết quả cao, cần phát huy, nhân rộng.
Theo Nhân dân điện tử