Nỗ lực tạo bứt phá trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 07/06/2018 14:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Thành ủy, huyện Phú Xuyên đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Nam

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng quyết định đến tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, UBND huyện phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 1.359 người là thành viên Ban Chỉ đạo huyện, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo huyện, cán bộ Văn phòng Điều phối NTM huyện, trưởng, phó Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM xã và bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng ban giám sát cộng đồng ở thôn.

Về phát triển nông nghiệp, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 1.394,3 tỷ đồng (giá so sánh 2010) bằng 86,8% so với năm 2015 (1.606,9 triệu đồng). Về cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp: trồng trọt chiếm 45,2%, giảm 2,1% so với năm 2015 (47,3%); chăn nuôi: 47,1% tăng 3,4% so với năm 2015 (43,7%); dịch vụ: 7,7%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha đạt 115,5 triệu đồng/ha, tăng 17,8 triệu đồng so với năm 2015. Hoàn thành xây dựng nhãn hiệu tập thể rau cần Khai Thái, xúc tiến thương mại, quảng bá đưa rau cần vào hệ thống siêu thị.

Đặc biệt, để khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, huyện đã hỗ trợ 70% tiền giá thể đối với các diện tích cấy máy. Diện tích cấy máy chiếm 10% tổng diện tích cấy lúa. Toàn huyện có 455 máy làm đất, 148 máy cấy, 02 máy gieo mạ khay tự động, 30 máy gặt đập liên hoàn. Một số hợp tác xã đã làm chủ công nghệ sản xuất mạ khay và chuyển giao cho nông dân các tỉnh lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên… Để bảo đảm đầu ra ổn định, một số cơ sở chăn nuôi đã liên kết với một số công ty lớn.

Hiện trên địa bàn huyện đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2015. Kết quả rà soát số hộ nghèo cuối năm 2016 là 4,38%, đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 3,06%... Đến nay, 16/26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 61.5%).

Đặc biệt, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên diện tích 2.430ha từ lúa kém hiệu quả sang các cây, con hiệu quả cao hơn. Toàn huyện có 89 trang trại đạt tiêu chí, tăng 16 trang trại so với năm 2015.

Phấn đấu thêm 5 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2018

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phú Xuyên còn tồn tại một số hạn chế như chưa phát triển mạnh nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, chưa phát triển rộng rãi mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm; việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu bằng nguồn vốn nhà nước còn hạn chế. Ngoài ra, một số xã các tiêu chí mới đạt ở mức thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch còn thấp…

Theo đó, huyện Phú Xuyên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2018 có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn thêm từ 1-2 tiêu chí/xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu năm 2018 thu nhập đạt 38,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 25%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%; có 62% số hộ được sử dụng nước sạch; tỷ lệ thu gom và vận chuyển trong ngày đạt trên 90%.

Mục tiêu đến năm 2020, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.

Đồng thời, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn gắn với các sản phẩm sạch và sản phẩm an toàn, có sự liên kết chặt chẽ các thành phần tham gia với nhau để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch dịch vụ thương mại. Bên cạnh đó, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với đó, huyện sẽ chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2018. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh, tổng vệ sinh tiêu độc môi trường; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình chăn nuôi, thủy sản. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: cứng hóa trục chính nội đồng, đào đắp, nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương; cầu cống; xây dựng hệ thống điện, nước tưới phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai...


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)