Phú Quý là huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, quân sự, là hậu cứ trực tiếp cho quần đảo Trường Sa. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của T.Ư và tỉnh, cùng sự tập trung phát huy nội lực của huyện, bộ mặt nông thôn - đô thị của huyện đảo ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét.
Với nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện đảo Phú Quý, cùng quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt mục tiêu đề ra. Đã giải quyết cơ bản, có tính đột phá đối với các tiêu chí, nội dung cốt lõi, thiết yếu của huyện, của Chương trình trên địa bàn huyện.
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó khai thác hải sản vẫn là ngành chủ lực. Hiện nay, Phú Quý có khoảng 1.400 tàu, thuyền đánh cá, với gần 440 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó có 140 chiếc làm dịch vụ và thu mua hải sản trên biển. Phú Quý là một trong những địa phương có hình thức khai thác hải sản trên biển bài bản nhất của cả nước, tất cả các tàu khi tham gia khai thác hải sản đều theo đội, theo tổ, theo nhóm. Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 67 Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Phú Quý đã mạnh dạn đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn với số lượng nhiều nhất tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Thuận đã hạ thủy 57 tàu đóng bằng vốn vay theo Nghị định 67 thì Phú Quý đã có 45 chiếc. Đây là địa phương thực hiện Nghị định 67 tốt nhất trong cả nước.
Toàn huyện có 100% người dân Phú Quý được sử dụng nước ngọt, trong đó hơn 80% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Xuất phát là địa phương không có điện, đến nay Phú Quý đã có 100% hộ dân sử dụng điện 24/24 giờ. Thu nhập bình quân đầu người từ 23,22 triệu đồng/người năm 2011 lên 28,02 triệu đồng/người năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,93%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 92,57%.
Phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh phát động được các tầng lớp nhân dân trên đảo hưởng ứng tích cực và tham gia đóng góp nhân lực, vật lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đã huy động nguồn lực trong nhân dân đóng góp hơn 4,3 tỷ đồng làm hơn 21km đường giao thông nối các thôn, xóm và trong khu dân cư được bê tông hóa.
Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, tương thân tương ái tiếp tục được phát huy và mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, dân chủ ở cơ sở ngày càng được mở rộng. Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được kiện toàn. Quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Đến năm 2015, toàn huyện có 3/3 xã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với nỗ lực 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ngày 5-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận huyện Phú Quý đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phú Quý phấn khởi cho biết, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp Mặt trận, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn xã hội, thực hiện có kết quả việc duy trì, nâng chuẩn tiêu chí nông thôn mới và phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng tham gia.
Cũng trong sáng cùng ngày, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức khởi công xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tàu cá Phú Quý.
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tàu cá Phú Quý do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 544 tỷ đồng. Quy mô Khu neo đậu trong giai đoạn I gồm có ba hạng mục cơ bản: Đê chắn sóng phía Tây dài 952m, dê chắn sóng phía Đông dài 735m và hệ thống phao neo. Các hạng mục hạ tầng và dịch vụ khác thuộc khu neo đậu sẽ dược tiếp tục đầu tư trong giai đoạn II.
Hiện nay, ngành thủy sản là ngành kinh tế chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế biển của huyện đảo. Khó khăn lớn nhất cho việc phát triển nghề cá của huyện hiện nay là chưa có khu neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá nên thường xuyên chịu thiệt hại về người và phương tiện khai thác khi có bão tố xảy ra. Việc khởi công dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý sẽ góp phần đáp ứng cho 1.000 tàu cá có công suất tối đa 600CV vào tránh trú bão an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và phương tiện hoạt động nghề cá của ngư dân khai thác, đánh ắt hải sản xa bờ và khu vực quần đảo Trường Sa khi có gió, bão kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương.
Dự kiến, sau 5 năm thi công, đến năm 2021, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tàu cá Phú Quý giai đoạn I sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tỉnh Bình Thuận và huyện Phú Quý động thổ khởi công xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý.
Theo báo Nhân dân điện tử