Xây dựng nông thôn mới: Ưu tiên vốn các công trình thiết yếu

Thứ năm, 16/06/2016 14:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 14 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng thời điểm này chỉ có 2 xã hoàn thành 19 tiêu chí. Tiến độ thực hiện ở các xã còn lại rất chậm, thậm chí nhiều đơn vị sẽ khó về đích nếu không phát huy tốt nội lực.

Cứng hóa đường giao thông là một trong những tiêu chí được ưu tiên trong xây dựng NTM.

Nhiều tiêu chí cần kinh phí lớn
Sau gần nửa năm nỗ lực thực hiện, đến nay xã Nham Sơn (Yên Dũng) và Song Khê (TP Bắc Giang) đã đạt đủ 19 tiêu chí NTM, hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận. Sự thay đổi rõ nét ở các xã này là đời sống của người dân nâng lên, đường giao thông nông thôn, nội đồng được cứng hóa, mở rộng. Người dân tích cực phát triển sản xuất, nâng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 25 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm mạnh.

Ở hầu hết các xã còn lại đăng ký đạt chuẩn năm nay đều có số lượng các tiêu chí cần hoàn thành nhiều, từ 2-6 tiêu chí/xã. Trong đó chủ yếu là những tiêu chí khó, đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn như: Môi trường, giao thông, kênh mương, cơ sở vật chất văn hóa. Điển hình như Hồng Giang (Lục Ngạn) được tỉnh phê duyệt xây dựng NTM mang đặc trưng của vùng cây ăn quả. Thời điểm này, xã đạt 14 tiêu chí, còn lại tiêu chí giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và môi trường. Hay tại xã Hồng Thái (Việt Yên), Thái Sơn (Hiệp Hòa) cũng cần hàng chục tỷ đồng để có thể hoàn thành 5-6 tiêu chí còn lại. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 6 tháng trong khi các địa phương phải thực hiện dồn dập nhiều hạng mục công trình nên khó bảo đảm chất lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM, để đạt chuẩn đúng tiến độ, mỗi xã cần đầu tư bình quân 7-10 tỷ đồng. Trong khi đó, năm nay, ngân sách T.Ư và tỉnh hỗ trợ cho các xã này chỉ được khoảng 3 tỷ đồng/xã, giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Đây là thách thức lớn nếu các địa phương không huy động được nội lực cũng như lồng ghép các nguồn vốn khác và UBND huyện hỗ trợ thêm kinh phí. Năm nay việc giao vốn chi tiết đến xã chậm hơn những năm trước nên nhiều địa phương vẫn còn tình trạng trông chờ, chưa chủ động vốn đối ứng hay vận động nhân dân, doanh nghiệp góp tiền, góp sức và hiến đất để giảm bớt chi phí đầu tư.

Chung tay gỡ vướng mắc

Để "hóa giải" những khó khăn trên, thời điểm này nhiều địa phương đang dồn sức thực hiện, quyết tâm đạt chuẩn. Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Ngoài nguồn vốn cấp trên phân bổ, UBND huyện vừa bố trí gần 2,3 tỷ đồng hỗ trợ cho xã Hồng Giang thực hiện các tiêu chí còn lại. Đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hướng dẫn xã thực hiện từng tiêu chí, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế mẫu điển hình đối với các công trình xây dựng và tạo điều kiện cho người dân tham gia thi công những công trình đơn giản để giảm chi phí đầu tư”.

Cùng với giải pháp này, xã Hồng Giang còn công khai vốn hỗ trợ của Nhà nước, sau đó họp dân để thống nhất mức đóng góp cho từng công trình như: Làm đường, cứng hóa kênh mương ngay sau khi thu hoạch vải thiều. Thời điểm này, xã tập trung thi công khu thể thao trung tâm xã, giải phóng mặt bằng chuẩn bị cứng hóa đường giao thông.

Huyện Việt Yên cũng bố trí hỗ trợ xã Hồng Thái, Quảng Minh đăng ký về đích năm nay, mỗi xã 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Hiện nay môi trường là tiêu chí khó mà hai địa phương này vẫn chưa hoàn thành nên huyện trích ngân sách hỗ trợ thuê công vận chuyển, thu gom rác thải đưa về bãi tập trung để xử lý. Xã Quảng Minh và Hồng Thái còn chỉ đạo các thôn tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về ý nghĩa của việc xây dựng NTM mang lại chính lợi ích cho người dân để chung tay thực hiện.

Ông Đỗ Văn Bào, thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh cho biết: “Hiện nay, thôn đang cứng hóa 3 km kênh mương nội đồng. Sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã đóng góp mỗi khẩu 20 kg thóc cho cứng hóa kênh mương”. Huyện Yên Dũng hỗ trợ xã đăng ký về đích 1 tỷ đồng/xã; huyện Lạng Giang hỗ trợ 500 triệu đồng/xã; huyện Tân Yên dành toàn bộ kinh phí từ đấu giá đất cho xã để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM đang tiến hành họp với từng huyện, TP và tất cả các xã xây dựng NTM để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn. Tại hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh vừa được tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chỉ đạo các ngành chức năng, thành viên Ban chỉ đạo cần khẩn trương hướng dẫn các xã đổi mới cách thức thực hiện theo hướng ưu tiên vốn đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu trước; không đầu tư dàn trải vốn hay xây dựng nhà văn hóa quá lớn, lãng phí trong khi không phát huy hiệu quả sử dụng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu mỗi địa phương cần phát huy tính chủ động trong cách làm. Các huyện, TP, ngành chức năng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương có sự gắn kết “4 nhà”. Qua đó, người dân sẽ tăng thu nhập, có đối ứng trở lại xây dựng NTM.


Theo Báo Bắc Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)