Sớm đưa Thanh Trì trở thành khu đô thị sinh thái của Thủ đô

Thứ sáu, 08/04/2016 14:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau gần 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã sớm về đích, với toàn bộ 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, sớm trở thành khu đô thị sinh thái phía nam của thành phố. 

Hệ thống đường giao thông nông thôn tại xã Tứ Hiệp được cải tạo khang trang, sạch đẹp.

Xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, được bao quanh bởi quốc lộ 1A, đường cao tốc 1B và đê sông Hồng, những năm gần đây có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã gần 180 ha, trong đó chỉ có 14 ha đất trồng lúa, hơn 50 ha trồng rau màu và hơn 110 ha mặt nước dành cho nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn xã có nhiều dự án thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các khu đô thị và công trình phúc lợi dẫn đến diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đáng chú ý, do nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị, cho nên xã Tứ Hiệp không thể đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp mà phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế, từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, tiểu thủ nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân và tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn.

Xã đã phối hợp trung tâm dạy nghề huyện tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; giới thiệu người lao động học nghề tại các trung tâm dạy nghề, trường học; giới thiệu người địa phương làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý, khai thác hiệu quả chợ Tứ Hiệp với diện tích hơn 3.000 m2, trong đó có quy hoạch khu vực bãi để xe, địa điểm thu gom rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại... Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn xã Tứ Hiệp đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tỷ lệ người lao động có việc làm tăng cao, trong đó số người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn dưới 10%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Trương Đức Long chia sẻ, bên cạnh hệ thống hạ tầng nông thôn được nâng cấp, cải tạo tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, lợi ích lớn nhất mà chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại chính là sự thay đổi nhận thức của người dân. Người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mở mang các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, kinh doanh lớn, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ để nâng cao thu nhập. Tinh thần đoàn kết, ý thức giữ gìn và phát huy giá trị các công trình phúc lợi; cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái được nâng cao. Sau khi hệ thống đường giao thông hoàn thành, người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí mua hơn 800 cây sấu, hơn một nghìn cây chuỗi ngọc, ba tấn hoa mười giờ giống về trồng và tự chăm sóc trên hành lang khắp các tuyến đường, tô điểm hình ảnh nông thôn đổi mới.

Xã Vạn Phúc nằm ở vùng bãi sông Hồng, có những khó khăn riêng khi tiến hành xây dựng nông thôn mới. Ở đây, đất đai tuy màu mỡ, nhưng manh mún, nhỏ lẻ, trung bình mỗi hộ có từ năm đến bảy thửa, nằm phân tán trên các xứ đồng, cho nên người dân rất khó khăn trong đầu tư mở rộng sản xuất. Các hộ dân chủ yếu trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi. Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Vạn Phúc đã dồn điền đổi thửa, chuyển đổi từ trồng ngô sang các loại cây trồng có múi, như cam Canh, bưởi Diễn, quất..., hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung rộng hơn 100 ha. Đến nay, các loại cây trồng đã bắt đầu cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, gấp từ sáu đến bảy lần so với trồng ngô, giải quyết việc làm cho hơn bốn nghìn lao động, tạo ra hướng phát triển bền vững cho địa phương.

Theo đánh giá của UBND huyện Thanh Trì, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành khâu đột phá của huyện và đạt nhiều kết quả quan trọng, có chiều sâu. Nhận thức của lãnh đạo, đảng viên và người dân chuyển biến tích cực, với hơn 1.000 hộ dân tự nguyện hiến gần 11.500 m2 đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm và hơn 250 tỷ đồng đóng góp xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch ruộng đồng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông, thủy lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, có hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng cây ăn quả tại xã Vạn Phúc, Yên Mỹ, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại xã Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, rau an toàn tại xã Yên Mỹ, Duyên Hà, nuôi trồng thủy sản tại xã Tứ Hiệp, Đông Mỹ... Cơ sở hạ tầng được đầu tư hiệu quả, hình thành hệ thống hạ tầng giao thông khung trên địa bàn huyện. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Sau 5 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, từ chỗ chỉ có ba xã đạt hơn 14 tiêu chí, đến nay toàn bộ 15 xã của huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn, mặc dù đã về đích nông thôn mới, nhưng việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí là nhiệm vụ quan trọng và còn không ít khó khăn. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt trật tự, văn minh đô thị. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng mạnh thương mại, dịch vụ. Chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với cơ giới hóa, phát triển thêm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ nông thôn hiện có và khuyến khích phát triển các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, khu thương mại, dịch vụ trong các đô thị..., phấn đấu sớm đưa Thanh Trì trở thành đô thị sinh thái của Thủ đô.


Theo Nhân dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)