Xây dựng nông thôn mới ở Đoan Hùng

Thứ năm, 31/03/2016 14:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đoan Hùng là huyện trung du của tỉnh Phú Thọ, có thế mạnh phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả. Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả nhất định.

Mô hình trồng bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Phùng Đức Nguyên, ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Năm 2015, huyện Đoan Hùng có xã Chí Đám đạt 19/19 tiêu chí, xã Minh Tiến đạt 17/19 tiêu chí, còn lại các xã đều đạt từ 10 đến 16 tiêu chí xây dựng NTM. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng Nguyễn Hoàng Minh, để có được kết quả nêu trên là do công tác phối hợp chỉ đạo giữa các phòng, ban chức năng trong huyện đã thực hiện tốt. Việc lựa chọn hạng mục đầu tư, phân bổ nguồn vốn, phân công chỉ đạo thực hiện đã có sự bàn bạc thống nhất giữa các phòng, ban chuyên môn; việc lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, chương trình trên địa bàn huyện góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM đề ra. Ban chỉ đạo xây dựng NTM các xã tiếp tục được kiện toàn và củng cố, trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng và các văn bản hướng dẫn của tỉnh, của huyện đã chủ động triển khai chương trình. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch đề ra cũng được các xã quan tâm chỉ đạo trên cơ sở thực trạng, lợi thế của địa phương. Từ đó, các xã lựa chọn các tiêu chí, chỉ tiêu dễ thực hiện làm trước, lựa chọn thôn điển hình để đầu tư xây dựng thôn đạt tiêu chí NTM, nhằm rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn được quan tâm triển khai. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là nông dân, các doanh nghiệp, hội viên các đoàn thể quần chúng trong huyện, nội dung có trọng điểm là xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn…với nhiều hình thức tuyên truyền tiếp tục được đa dạng hóa. Các địa phương của huyện đã tập trung vào công tác rà soát và cắm mốc quy hoạch hạ tầng giao thông, tiếp tục đôn đốc các xã công bố công khai quy hoạch, điều chỉnh một số hạng mục trong quy hoạch NTM phù hợp với các quy hoạch kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Nhìn chung công tác quy hoạch, công tác xây dựng đề án NTM bảo đảm chất lượng, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo hiệu quả công tác phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân. Toàn huyện có 27 xã với 2.560 hộ, nhóm hộ tham gia xây dựng được 41 mô hình sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 17 mô hình thâm canh 205,6 ha bưởi đặc sản của 16 xã; năm mô hình trồng mới 20,8 ha bưởi đặc sản của năm xã; 10 mô hình trồng mới 65,21 ha bưởi Diễn ở 10 xã phía nam; trồng cải tạo 2,8 ha chè, ba mô hình lúa có diện tích 11 ha, bốn mô hình chăn nuôi, trong đó hai mô hình chăn nuôi 4.100 con gà thả vườn và hai mô hình chăn nuôi lợn đực ngoại. Ngoài ra, huyện còn tổ chức hỗ trợ bảy hợp tác xã mua máy móc, vật tư, thiết bị phục vụ hiệu quả sản xuất.

Bằng nguồn vốn trực tiếp của chương trình xây dựng NTM, cộng với sự đóng góp của người dân, vốn lồng ghép của các chương trình, dự án về nông nghiệp nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất bước đầu đã đạt được kết quả khá, được phổ biến nhân rộng. Trong đó, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật là rất lớn. Với mô hình thâm canh bưởi xã Chí Đám, giá trị kinh tế mang lại là 669 triệu đồng/ha, với mô hình bưởi xã Bằng Luân là hơn 307 triệu đồng/ha. Mô hình trồng cải tạo chè, sử dụng giống chè LDP2- có khả năng chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh khá và cho năng suất cao hơn giống đối chứng từ 30% đến 40%. Mô hình này hiện đang được nhân rộng tại các xã trong huyện. Cùng với đó, các công trình giao thông nông thôn đã được đầu tư, xây dựng hiệu quả với 22 công trình. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường… cũng được các cấp chính quyền quan tâm, mang lại hiệu quả thiết thực. Trao đổi với chúng tôi, anh Phùng Đức Nguyên, thôn Chí 2, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng cho biết: “Từ khi triển khai xây dựng NTM trên địa bàn xã, người dân đã có nhiều điều kiện để thúc đẩy sản xuất. Có thể nói, việc hỗ trợ sản xuất đã giúp người dân chúng tôi hưởng lợi rất nhiều. Thí dụ như gia đình tôi hiện đang trồng bốn sào bưởi Đoan Hùng, mỗi năm thu nhập bình quân khoảng 90 triệu đồng. Điều đáng nói là, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây luôn được cán bộ khuyến nông xã, huyện hướng dẫn tận tình nên cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt”.

Mặc dù đã có sự phát triển khá đồng đều, hiệu quả, các tiêu chí bảo đảm tốt, thu nhập của người dân được nâng cao, song Chương trình xây dựng NTM ở Đoan Hùng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Trong đó, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí có nâng lên nhưng chưa đồng đều; cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí quy định, nhưng mức độ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Công tác chỉ đạo ở một số xã vẫn còn thiếu quyết liệt, chưa thật sự sát sao, kết quả đạt được chưa rõ nét; trách nhiệm các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã chưa cao, năng lực triển khai còn hạn chế, việc kiểm tra, giám sát còn chưa thường xuyên, chất lượng kiểm tra, giám sát chưa toàn diện. Một bộ phận cán bộ và người dân chưa nhận thức đầy đủ, đặc biệt chưa tạo được sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể; một số xã chưa tổ chức phát động thi đua xây dựng NTM theo kế hoạch của huyện; chưa xác định lộ trình, giải pháp thực hiện chương trình, còn lúng túng, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; việc lựa chọn tiêu chí và giải pháp thực hiện cho từng tiêu chí còn thiếu cụ thể; việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn yếu. Đây là những phần việc khó, cần phấn đấu để các xã của huyện Đoan Hùng đạt chuẩn NTM trong thời gian sớm nhất.


Theo Nhân dân điện tử

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)