Lập Thạch phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2016

Thứ sáu, 25/12/2015 15:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Lập Thạch phấn đấu đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới năm 2016 và 100% số xã của huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2017. Để đạt được mục tiêu đó, việc thống nhất, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện luôn đặt ra hàng đầu, trong đó công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện coi trọng.

Trong quá trình thực hiện, huyện chỉ đạo và khuyến khích các ngành, đoàn thể, các xã, thôn dân cư tổ chức các hoạt động nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, sự tham gia vào cuộc của chủ thể nông dân trong lao động, sản xuất, hiến của, hiến công cho xây dựng nông thôn mới. Nhiều phòng, ban, ngành, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành, góp phần quan trọng cho xây dựng nông thôn mới như: Phòng Nông nghiệp, phòng Công thương, phòng Văn hóa… Nhiều đoàn thể có các hoạt động lôi cuốn được đoàn viên, hội viên tham gia như: Hội Nông dân với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, Hội CCB với phong trào CCB gương mẫu, Hội Phụ nữ với phong trào 5 không 3 sạch, Đoàn Thanh niên với phong trào tuổi trẻ Lập Thạch chung sức xây dựng nông thôn mới… Trong 5 năm, đã huy động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến hàng nghìn ha đất, góp hơn 1,8 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện xây dựng và triển khai nhiều chương trình, nhiều đề án, dự án gắn với xây dựng nông thôn mới dự án phát triển thanh long ruột đỏ, chăn nuôi bò sữa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

Đến nay, huyện cứng hóa được 91,29km đường trục xã, liên xã; 116,45km đường trục thôn, liên thôn; 92,87km đường ngõ xóm; 69km đường trục chính nội đồng. 100% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. 10 xã của huyện được UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích chợ. Đối với tiêu chí trường học, huyện đã phê duyệt thu hồi, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 144.122m2 để mở rộng khuôn viên các trường học. Tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non đạt trên 50%, tiểu học đạt 95%. Mức độ phổ cập giáo dục THCS cấp độ I toàn huyện đạt 100% từ năm 2002. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề của toàn huyện đạt 96,5%.

Huyện chỉ đạo mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới. Trong 5 năm qua, 18/18 xã đã quy hoạch khu trung tâm văn hóa xã đủ diện tích từ 10.000m2 trở lên, có 12 xã được đầu tư xây dựng khu trung tâm văn hoá xã. Đối với nhà văn hóa thôn, trước khi triển khai xây dựng nông thôn mới, 194 thôn của 18 xã đều thiếu diện tích và không đạt chuẩn theo quy định, sau khi triển khai xây dựng nông thôn mới đã nâng cấp cải tạo và xây mới được 119 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư tăng cường; đời sống vật chất văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước tạo được ấn tượng sâu sắc, không khí vui tươi, phấn khởi thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo người dân, qua đó góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, với mục tiêu đó, huyện tăng cường chỉ đạo phát triển và mở rộng các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Từ năm 2011 đến nay, huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân tích cực đưa một số giống lúa cao sản, chất lượng cao vào sản xuất như : BC15, TBR36, TBR45, QR1, HT1... Triển khai một số mô hình sản xuất: trồng 100ha Thanh long ruột đỏ ở 3 xã: Vân Trục, Ngọc Mỹ và Xuân Hòa, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng/1ha; trồng mía nguyên liệu trên đất đồi bạc màu, trồng cây dâu tằm cho thu hập từ 250-300triệu đồng/ha… Mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt ở 4 xã Ngọc Mỹ, Quang Sơn, Hợp Lý, Bắc Bình với quy mô hàng nghìn con theo hưóng công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, chăn nuôi bò sữa là một hướng đi mới mang lại thu nhập cao cho người dân. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều các trang trại, gia trại chăn nuôi. Huyện cũng thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy trên địa bàn để giải quyết việc làm cho lao động huyện. Hiện nay, ở 18 xã của huyện, 92,2% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của 18 xã là 4,38%, giảm 7,52%. Đến hết năm 2011, Lập Thạch hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, 86% ngôi nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Hết năm 2015, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn lại các xã đạt từ 11 tiêu chí trở lên.


Theo Vinhphuc.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)