Xây dựng nông thôn mới: Đột phá từ quy hoạch

Thứ năm, 29/12/2011 14:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là nhận định của Bộ Xây dựng trong báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) tại 11 xã điểm.

Quy hoạch chung các xã điểm đều được phê duyệt

Theo Bộ Xây dựng, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp - nông thôn – nông dân và căn cứ nhiệm vụ Ban chỉ đạo Trung ương về “Chương trình thí điểm xây dựng mô hình NTM” giao, với nhận thức quy hoạch là khâu đột phá của Chương trình, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản số 1333/BXD-KTQH hướng dẫn các địa phương về tiêu chí NTM. Bộ đồng thời giao các đơn vị chuyên môn tổ chức 11 nhóm công tác về 11 xã thí điểm, phối hợp với các địa phương tiến hành lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) theo nội dung yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM.

Sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ, Bộ Xây dựng đã ban hành một số văn bản quản lý về QHXD nông thôn như Thông tư số 21/2009/TT-BXD ngày 03/6/2009 (sau đó là thông tư 09/TT-BXD) về lập, thẩm định, phê duyệt quản lý QHXD nông thôn; tiêu chuẩn QHXD nông thôn; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về QHXD nông thôn- QCVN 14:2009/BXD.

Về công tác lập QHXD 11 xã điểm, đến tháng 3/2010, toàn bộ 11 xã đã được phê duyệt QHC đáp ứng được các yêu cầu để lập đề án NTM. Các đồ án QHXD xã gồm tổ chức không gian tổng thể toàn xã; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, quy hoạch các trung tâm và hệ thống hạ tầng xã hội gắn liền với phát triển sản xuất tại địa phương. Đồ án QHXD nông thôn được duyệt là cơ sở để các địa phương lập các đề án, dự án hoặc báo cáo đầu tư, tạo cơ sở để huy động các nguồn lực xã hội vào xây dựng NTM…

Tác động mạnh mẽ vào nhận thức của xã hội

Từ kinh nghiệm triển khai QHXD ở 11 xã điểm, Bộ Xây dựng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Theo đó, QHXD NTM đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức của nhiều cán bộ và nhân dân về khái niệm NTM, về trách nhiệm, phương pháp, cơ chế chính sách để lập và tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch. Sự tham gia của nhân dân là động lực lớn làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm, phương pháp mới theo cách tiếp cận dựa trên nhu cầu là cơ sở đảm bảo tính khả thi của quy hoạch và đảm bảo quá trình phát triển nông thôn bền vững. QHXD đã thực sự tác động vào tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Các xã đã điều chỉnh định hướng phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch sử dụng đất và đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào chương trình hành động của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đồ án quy hoạch là cơ sở để các địa phương lập các đề án, dự án hoặc báo cáo đầu tư, tạo cơ sở để huy động các nguồn lực xã hội vào xây dựng NTM.

Ngoài ra, việc triển khai công tác quy hoạch cho 11 xã điểm đã góp phần phân tích, phát hiện các vấn đề tồn tại và đề xuất các nội dung cho các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các văn bản pháp luật trong công tác QHXD và đầu tư xây dựng nông thôn…

Chưa khai thác tốt các nguồn lực

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nêu một số vấn đề tồn tại. Đơn cử, sự phối hợp giữa QHXD và các quy hoạch ngành khác chưa chặt chẽ. Vì không khớp nối với các loại quy hoạch khác trên cùng một vùng lãnh thổ (tỉnh, liên huyện, huyện), gây ra vướng mắc trong công tác lập quy hoạch và sự phát triển không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực nông thôn, làm cho quy hoạch xây dựng nông thôn lãng phí thời gian, công sức và kém hiệu quả. Trong quá trình lập quy hoạch, hệ thống tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ cho công tác lập quy hoạch còn thiếu và không thông nhất. Một số xã phải dùng bản đồ giải thửa để lập quy hoạch xây dựng…

Một vấn đề tồn tại khác là năng lực cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch tại xã còn thiếu và hầu hết chưa được qua đào tạo. Hiện nay hầu hết ở các tỉnh đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý QHXD có kiến thức chuyên môn tại các huyện, xã thiếu nghiêm trọng. Nhận thức của một số cơ quan có thẩm quyền trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QHXD nông thôn chưa đầy đủ. Cụ thể, có xã phê duyệt nhiệm vụ QHCXD nhưng không phê duyệt dự toán hoặc phê duyệt đồ án quy hoạch nhưng lại chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Các địa phương chưa khai thác tốt các nguồn lực từ xã hội, nhà đầu tư cho mô hình NTM ở 11 xã điểm. Các nhà khoa học, các tổ chức khác chưa tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương…

Cũng theo báo cáo tổng kết nói trên, Bộ Xây dựng kiến nghị: Ban chỉ đạo đánh giá kết quả của 11 mô hình và nhân rộng mô hình ở quy mô vùng và toàn quốc, đồng thời sửa một số điều trong Luật Xây dựng và các chính sách để phù hợp với QHXD NTM.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục tổ chức triển khai công tác đào tạo cán bộ các cấp từ thôn, xã, huyện và tư vấn hoạt động trong lĩnh vực QHXD nông thôn. Ban chỉ đạo giao kế hoạch, kinh phí để Bộ Xây dựng tổ chức thiết kế, ban hành các loại mẫu nhà ở phù hợp cho các vùng miền địa phương hướng dẫn, khuyến khích nhân dân xây dựng nhà ở truyền thống.

Sau cùng, Bộ Xây dựng đề nghị đẩy mạnh công tác truyên truyền vận động toàn diện, đa dạng và thường xuyên về xây dựng NTM; đẩy mạnh quy hoạch sản xuất, quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang các thôn xóm hiện có và ban hành sổ tay hướng dẫn quy hoạch nông thôn.

Nông thôn nước ta hiện có 9.121 xã ở 550 huyện, chiếm khoảng 70% dân số với hơn 76% diện tích lãnh thổ, từ miền núi cao đến đồng bằng, với 54 dân tộc anh em sinh sống, rất đa dạng về địa hình, tập quán, phong tục khác nhau. Trong quá trình hình thành, phát triển làng xã chủ yếu là tự phát, hình thành trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp, chưa được tổ chức phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn, chưa đáp ứng được tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Với “Chương trình thí điểm xây dựng mô hình NTM thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH”, lần đầu tiên trong hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước đề cập vấn đề QHXD nông thôn cấp xã tổng thể, toàn diện, với tư cách nông thôn là một chủ thể phát triển trong tiến trình phát triển đất nước, với cả 5 nội dung, được thể hiện trong 5 nhóm với 19 tiêu chí cụ thể. Chương trình là phương thức tốt nhất, nhanh nhất, toàn diện nhất để đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW vào cuộc sống, trong đó quy hoạch là khâu đột phá của Chương trình.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)