Hà Nội: Phấn đấu hoàn thành trên 60 xã nông thôn mới trong năm 2014

Thứ tư, 08/10/2014 15:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 7/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy trong 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ và giải pháp 3 tháng cuối năm 2014.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu kết luận hội nghị

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình 02, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn, song công tác xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở quan tâm, ưu tiên nguồn lực để tập trung thực hiện. Nổi bật là công tác tuyên truyền, nhiều địa phương đã tổ chức hội thảo, đối thoại với nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tính đến hết tháng 9/2014 (không kể huyện Từ Liêm), toàn TP có 38/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 178/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí. Sau 3 năm triển khai Chương trình 02, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được cứng hóa đạt 100%, đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 95%; hệ thống thoát nước thải chung đạt 67%, 98% số xã có tổ chức thu gom rác thải, 100% thôn có điện, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,56%, trong đó có 35,26% dùng nước sạch…

Về nâng cao đời sống nông thôn, 9 tháng đầu năm 2014, toàn TP ước giảm nghèo được 8.095 hộ, đưa tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ước còn 32.000 hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 3,3%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong năm 2013 đạt trên 24 triệu đồng, cơ bản không còn nhà dột nát. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, 100% trạm y tế có bác sỹ, trên 90% hộ dân có vô tuyến truyền hình…

Đối với công tác dồn điền đổi thửa, tính đến nay, toàn TP đã dồn đổi được 74.158/76.365 ha, đạt 97,11% so với kế hoạch (trong quý III toàn TP đã dồn đổi được 588 ha). Sau dồn đổi, số diện tích dôi dư là 1.477 ha, tạo điều kiện để các địa phương quy hoạch cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi. Đặc biệt, cùng với dồn điền đổi thửa, các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa sản xuất. Đến nay, trên 62 nghìn ha đã được chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, như mô hình trồng hoa, cây cảnh tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, mô hình cây ăn quả tại một số huyện Thanh Oai, Thanh Trì; trồng rau sạch tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ…

Tại hội nghị, đại diện các huyện, thị xã đã giới thiệu về các cách làm hay, đồng thời, nêu ra những khó khăn vướng mắc tại cơ sở cũng như nêu ra các kiến nghị, đề suất với TP. Theo các đại biểu, khó khăn lớn nhất của các huyện là nguồn kinh phí có hạn, như huyện Phú Xuyên cả năm thu ngân sách có 90 tỷ, thị xã Sơn Tây từ đầu năm thu ngân sách được khoảng 125 tỷ, nhưng riêng ngành giáo dục của thị xã một năm đã phải chi đến trên 200 tỷ… do đó rất thiếu nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng. Theo các đại biểu, TP cần có cơ chế khuyến khích các quận nội thành “kết nghĩa” với các huyện, để hỗ trợ, chia sẻ các huyện khó khăn trong đầu tư xây dựng hạ tầng.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy đã đánh giá cao sự quyết liệt, nhiệt tình của cán bộ và nhân dân Hà Nội trong xây dựng NTM, ghi nhận những cách làm hay và hiệu quả của một số địa phương. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận; việc chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, sản lượng, chất lượng nông sản còn thấp.

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Công Soái đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập trung vào những mô hình hay, những cá nhân tích cực trong xây dựng NTM để nhân rộng. Tập trung cho các xã hoàn thành trên 17 tiêu chí xây dựng NTM, để phấn đấu hết năm 2014 có từ 60-62 xã đạt chuẩn NTM. Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho nông dân, đặc biệt, cần tổ chức nhiều hơn các hội thảo, đối thoại để nắm bắt nhu cầu của nông dân, từ đó có cơ chế đặt hàng đối với các cơ quan khoa học.

Về các ý kiến đề suất của các địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức cuộc họp vào cuối tháng 10 để rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách trong xây dựng NTM, những chính sách nào ban hành không có hiệu quả hoặc gặp nhiều vướng mắc trong thực tế thì sẽ được xem xét chỉnh sửa. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng sẽ giao Sở NN&PTNT Hà Nội trong tháng 11 sẽ tổ chức cuộc họp với 84 xã đăng kí hoàn thành NTM vào cuối năm nay và cán bộ các huyện để bàn giải pháp hoàn thành mục tiêu.


Theo Hà Nội Portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)