Một số suy nghĩ về mô hình nhà ở nông thôn mới sinh thái bền vững từ kết quả khảo sát vùng lấn biển Hà Nam

Thứ hai, 29/05/2017 15:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nam là một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời đặc biệt là lịch sử lấn biển lập làng. Hà Nam có một vùng đất thấp, nơi hàng trăm năm qua người dân phải qua đê lấn biển sinh sống ở dưới mực nước biển 2m. Từ năm 1334, nhờ công của 17 vị Tiên công từ phủ Hoài Đức, kinh thành Thăng Long về quai đê, lấn biển, lập làng, đến nay Hà Nam đã có bề dày lịch sử 676 năm. Từ một cù lao lau sậy của gần 600 năm về trước, Hà Nam giờ có 8 xã với chừng 6,5 vạn dân và 34 km đê biển. Qua bao thăng trầm lịch sử, thời gian và tác động của đời sống đương đại nhưng Hà Nam vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của cha ông xưa với những ngôi nhà cổ, những di tích lịch sử văn hóa lâu đời.

1. Đặc điểm và thực trạng quy hoạch kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống Hà Nam:

Hà Nam có địa hình chủ yếu là đồng bằng ven biển thấp và tương đối bằng phẳng với nguy cơ ngập úng cao vào mùa mưa. Do vậy, các làng xã thuộc huyện thường nằm ở các khu vực đất cao ráo và xung quanh là các cánh đồng lúa. Trong đó, trục công cộng bao gồm: Cổng làng, cây đa, giếng nước, chợ, đình chùa như là cuống của một chiếc lá. Dọc theo trục đường chính của làng thường có các ao chuôm, ngoài lợi ích chăn nuôi còn đóng vai trò thoát nước mặt, tạo môi trường vi khí hậu và cảnh quan. Tổ chức quy hoạch làng nơi đây thường theo cấu trúc mạng xương cá với các lối đi chật hẹp và quanh co. Hình thái kiến trúc chủ yếu là nhà một tầng lợp ngói và nhà ở truyền thống. Ngoài ra, còn có kiểu nhà phố (xây dọc theo các tuyến giao thông chính) và nhà biệt thực.

Quy hoạch khuôn viên tổng mặt bằng

- Tổng thể các ngôi nhà truyền thống trong xã thường bao gồm nhà chính, nhà phụ, sân, bể nước mưa.

- Mối quan hệ nhà chính - sân - nhà phụ là khá mạch lạc. Từ ngoài qua cổng, khoảng không gian đầu tiên người ta tiếp cận chính là sân, sau đó mới đến nhà chính. Nhà phụ thường được bố trí vuông góc với nhà chính theo cạnh ngắn của sân.

- Do diện tịch chật hẹp nên các nhà thường không có vườn, hoặc nếu có thì chỉ ở mức tối thiểu.

- Bể nước mưa là thành phần không thể thiếu của ngôi nhà, bởi trước đây khi chưa có nước máy, người dân phải tích trữ nước mưa cho nhu cầu sinh hoạt do nước ngầm ở địa phương bị nhiễm mặn. Bể thường được bố trí ở đầu hồi nhà chính, gần bếp.

Mô hình kiến trúc nhà ở

- Ngôi nhà chính chủ yếu là nhà trệt 3 gian hoặc 5 gian, có 2 mái (kiểu nhà phổ biến của người Kinh vùng Đồng bằng Bắc Bộ). Cá biệt còn có nhà có 4 gian, trong đó 1 gian đầu hồi có tường ngăn với các gian còn lại, là chỗ ngủ của phụ nữ trong nhà.

- Hướng nhà: Chủ yếu là hướng Nam và hướng Đông

- Mặt bằng nhà chính: Có dạng hình chữ nhật, được chia thành 3 gian hoặc 5 gian, phía trước là hiên. Thường 3 gian giữa được bố trí thông với nhau, thậm chí có nhà thông cả 5 gian. Tổ chức mặt bằng nhìn chung khá đơn giản - gian giữa bao giờ cũng là nơi bố trí ban thờ tổ tiên, được nhấn mạnh bởi hoành phi là câu đối. Ngay bên cạnh gian thờ là không gian tiếp xúc với khách, các không gian còn lại là nơi bố trí giường ngủ, chỗ làm việc và lưu trữ.

- Đa phần các ngôi nhà có hiện tượng đối hẹp. Để khắc phục điều này, một số nhà đã làm thêm cái “hiên tây” và hàng cột hiên phía trước. “Hiên tây” vừa đóng vai trò mở rộng không gian, chuyển tiếp trong nhà - ngoài sân vừa là máng thu nước mưa để dẫn vào bể chứa.

- Tường hậu của ngôi nhà thường không được trổ cửa sổ hoặc nếu có thì cũng rất nhỏ.

- Phía trước 3 gian giữa có mở rộng hướng ra sân, trong đó cửa của gian chính giữa thường là cửa “thượng song hạ bản”, còn hai gian bên là cửa bức bàn. Nhờ hệ thống cửa này nên ngôi nhà có thể được đóng – mở một cách hết sức linh hoạt.

- Bếp thường nằm vuông góc với nhà chính, có cấu trúc khá đơn giản và mở cửa hướng ra sân.

Hình thái kiến trúc:

- Hình thái kiến trúc chủ yếu là kiểu nhà nông thôn truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ có 3 gian hoặc 5 gian và 2 mái có độ dốc khá lớn để thoát nước mưa.

- Nhà chính có quy mô trung bình, diện tịch khoảng 60-80 m2.

Kết cấu:

- Các ngôi nhà có kết cấu khung cột gồm 4 bộ vì (2 vì chính và 2 vì thuận). Vì chính thường là kiểu kẻ chuyền có 3 hàng chân – trốn 1 cột cái (tiền bẩy hậu kẻ - không có cột hiên), hay 4 hàng chân – trốn 1 cột cái (tiền kẻ hậu kẻ - có cột hiên).

- Điểm khác biệt của cấu trúc bộ vì so với các địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ khác ngoài bẩy hiên (làm không gian hiên trở nên khá hẹp và hạn chế trong sử dụng), còn là cấu trúc vì nóc với mô típ hình chữ công đặc trưng.

- Vì thuận thường là kiểu chồng tam. Khác với vì chính, vì thuận luôn luôn có đủ chân (4 hoặc 5 hàng chân).

Vật liệu xây dựng:

- Bộ khung nhà chính làm bằn gỗ tốt (thường là gỗ lim) – được vận chuyển từ nơi khác đến.

- Sàn nhà lát bằng gạch chỉ (nguyên bản) hoặc gạch men kính.

- Tường bao, vách ngăn chủ yếu được xây dựng bằng gạch đất nung.

- Rui mè chủ yếu được làm bằng gỗ.

- Mái nhà chủ yếu lợp ngói máy, nguyên bản từ thời Pháp thuộc.

- Chân tảng kê cột làm từ đá tự nhiên, hoặc gạch xây trát vừa xi măng.

2. Thực trạng xu hướng xây dựng nhà ở hiện nay và thách thức của biến đổi khí hậu tại Hà Nam.

Xu hướng xây dựng nhà ở hiện nay:

Qua việc khảo sát có thể nhận thấy ngày nay quá trình đô thị hóa quá nhanh đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ảnh hưởng tới văn hóa xã hội, phong tục tập quán và kiến trúc nhà ở. Dưới tác động của đô thị hóa, kiến trúc nông thôn ngày càng hỗn độn, tùy tiện, không gian kiến trúc làng truyền thống bị phá vỡ.

Nhà ở nông thôn ở Hà Nam cũng không tránh được sự xoay vần của quy luật của sự phát triển, cấu trúc làng xã thay đổi và có chiều hướng theo đô thị, bỏ mất đi tính ưu việt của môi trường mang tính sinh thái truyền thống xưa kia. Các làng truyền thống do quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa, từ chủ trương “ngói hóa” đã biến thành “bê tông hóa”, cuộc sống thiên về dịch vụ nên vấn đề tự cung tự cấp không còn cần thiết, vườn chia nhỏ để xây dựng không còn bóng dáng lũy tre, cây đa, giếng nước, vườn rau, ao cá… Các khu dân cư nông thôn mới (ngoại vi đô thị, cạnh các khu công nghiệp tập trung, hay gần các trục đường giao thông mới…) thì tự phát theo kiểu đô thị (cấu trúc đường phố và nhà chia lô liền kề).

Dân cư làng xã ngày càng tăng nhu cầu về nhà ở ngày càng cao. Khuôn viên các ngôi nhà bị thu hẹp hoặc chia cắt, diện tịch mặt nước, cây xanh ít dần đi. Các ngôi nhà 1 tầng theo kiểu truyền thống dần bị thay thế bằng các kiểu nhà đô thị. Việc xây dựng không quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật làm cho môi trường nông thôn bị xâm hại nặng nề. Chất lượng môi trường đất nước không khí bị suy giảm do chất thải của con người và gia súc.

Trong quá trình khảo sát nhận thấy nhà ở nông thôn Hà Nam được xây dựng theo hai xu hướng chủ yếu sau:

- Xu hướng xây dựng kiểu nhà truyền thống (kiểu nhà này hiện nay vẫn được xây dựng tuy nhiên do giá gỗ và công thợ mộc đắt nên rất ít gia đình có khả năng làm nhà kiểu này).

- Một xu hướng phổ biến hơn là xây dựng nhà mái bằng 1 hoặc 2 tầng, tường xây gạch. Ngoài ra, còn có một số nhà kiểu biệt thự 2-3 tầng, mái bê tông cốt thép dán ngói.

Tác động của biến đổi khí hậu:

Hà Nam đang phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan của thời tiết như bão, nước biển dâng… Biến đổi khí hậu tác động to lớn đến Hà Nam gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Hiện tượng nước biển dâng làm gia tăng khả năng ngập lụt, suy giảm khả năng chống chịu của các cơ sở hạ tầng bờ biển và cửa sông, hiện tượng xâm nhập mặn và suy thoái các hệ sinh thái, các hiện tượng sói lở bờ và tăng độ dốc bãi biển. Hàng năm Hà Nam phải hứng chịu những cơn bão với nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, mưa lớn và nước biển dâng cao. Các cơ sở hạ tầng như đê, kè, đường giao thông, bến cảng, hệ thống cống, cáp điện, viễn thông…bị hư hại. Ngoài ra, còn rất nhiều công trình di sản và lịch sử truyền thống có nguy cơ bị phá hoại. Nhà ở và người dân trong khu vực phải di dời khi có những đợt bão lớn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

3. Một số yếu tố sinh thái bền vững trong nhà ở Hà Nam.

Nhà ở Hà Nam là một hình ảnh tiêu biểu của việc chế ngự và thích ứng với tự nhiên. Phân tích đặc điểm của nhà ở nông thôn Hà Nam cho ta thấy những yếu tố của phát triển sinh thái bền vững.

- Yếu tố sinh thái (sân vườn, mặt nước): Gắn với hoạt động canh tác lúa nước, địa điểm xây dựng và cách tổ chức nhà ở nông thôn Hà Nam khá hợp lý giúp cải thiện hệ sinh thái địa phương. Ao và vườn trong ngôi nhà được kết hợp được kết hợp với nhau như một hệ cân bằng sinh thái giúp cho việc tiêu nước chống ngập úng, canh tác, chăn nuôi và góp phần cải tạo điều kiện vi khí hậu cho ngôi nhà. Quanh khuôn viên của các ngôi nhà nên là những hàng rào cây tự nhiên vừa là hàng rào ngăn cách ngôi nhà với bên ngoài vừa tạo điều kiện thông thoáng dễ dàng, đón gió mát vào nhà. Trong khuôn viên vườn của ngôi nhà trồng cây ăn quả và rau xanh. Vườn cây giúp ngôi nhà cải tạo điều kiện vi khí hậu vừa góp phần cải thiện môi trường sống cho con người. Vị trí và các loại cây trồng cũng được cân nhắc chọn lọc để có thể đón được gió mát thổi vào nhà, khai thác được nguồn nhiệt sưởi ấm từ ánh nắng mặt trời vào mùa đông, chặn được gió lạnh và hạn chế quá trình mất nhiệt.

- Yếu tố sức khỏe con người (môi trường vi khí hậu trong nhà): Cây xanh, mặt nước được gắn kết một cách hệ thống với nhau giúp điều hòa vi khí hậu và hạn chế những bất lợi của thiên nhiên như nắng nóng và gió lạnh… Nhà ở được tổ chức đan xen với cây xanh, mặt nước, cảnh quan thiên nhiên mang lại môi trường vi khí hậu sống tốt cho ngôi nhà. Các không gian bên trong ngôi nhà được tổ chức theo không gian mở linh hoạt trong sử dụng giúp tạo khả năng thông gió, hạn chế ẩm mốc. Hiện nhà là không gian đệm chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà ngăn không cho mưa hắt và bức xạ chiếu trực tiếp, đồng thời là khoảng đệm về nhiệt độ và ánh sáng cho không gian bên trong nhà. Hệ thống cửa phía trước ngôi nhà được thiết kế để có thể khép kín để cách ly vào mùa lạnh hoặc mở rộng hòa nhập hoàn toàn với môi trường bên ngoài vào mùa nóng. Hệ kết cấu cũng như vật liệu mái khuyên khích sự đối lưu không khí làm cho nhiệt độ vi khí hậu bên trong nhà luôn mát hơn bên ngoài vào mùa hè, ấm hơn vào mùa đông và luôn thông thoáng mặc dù đống hết cửa.

- Yếu tó gắn kết (địa điểm): Các khu đất xây dựng được tối ưu hóa bởi cách phân khu và bố trí các hạng mục công trình và cảnh quan…Các hạng mục này gắn kết một cách chặt chẽ tạo nên sự tương hỗ cộng sinh của một mô hình ở sinh thái. Không chỉ vậy, từng khu đất khi xây cất đều rất quan tâm và khai thác tối đa những lợi thế và hạn chế những bất lợi của khu đất xây dựng.

- Yếu tố môi trường tự nhiên (chất thải, ô nhiễm): Hầu hết vật liệu sử dụng trong ngôi nhà tại Hà Nam đều là những vật liệu tự nhiên hết sức thân thiện với môi trường. Nhưng vật liệu này có thể tái tạo do thường xuyên được trồng mới và không tạo ra rác thải xây dựng khi hết hạn sử dụng. Hệ kết cấu, vật liệu cho phép có thể tháo lắp tận dụng tối đa khi cải tạo hay xây dựng mới công trình.

- Yếu tố hiệu quả (năng lượng, nước và vật liệu…): Chọn hướng nhà tốt và bố trí các hạng mục hợp lý giúp làm mát ngôi nhà, cải thiện vi khí hậu tạo được môi trường thoải mái cho người sử dụng, góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Nguồn nước tự nhiên trong nhà ở nông thôn Hà Nam được khai thác một cách khá hiệu quả và bền vững. Ngoài hệ thống giếng khơi, nước mưa cũng được thu gom vào bể chứa tại từng hộ gia đình được sử dụng cho sinh hoạt. Việc thoát nước mặt nhanh, giúp thu gom nước vào trong hệ thống ao hồ của làng xã, bổ sung một phần quan trọng cho hoạt động nông nghiệp. Vật liệu xây dựng ngôi nhà nên là những vật liệu tự nhiên khai thác tại chỗ giảm thiểu những lãng phí năng lượng trong quá trình vận chuyển và sản xuất vật liệu.

- Yếu tố nhân văn (những giá trị lịch sử, văn hóa, tập tục lối sống…): những ngôi nhà truyền thống Hà Nam thể hiện rõ nét những giá trị lịch sử, những nét riêng văn hóa cũng như tập tục lối sống của người dân địa phương…

4. Một số suy nghĩ về mô hình nhà ở nông thôn mới theo hướng sinh thái bền vững.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mô hình kiến trúc xanh hiện đại, quy hoạch và nhà ở nông thôn vùng Hà Nam cần có những thay đổi về mặt nhận thức trong quản lý phát triển. Nông thôn mới tại Hà Nam cần được phát triển trên cơ sở kế thừa và khai thác những bài học của truyền thống kết hợp khai thác những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Một số giải pháp dưới đây được đề xuất trên cơ sở điều kiện tự nhiên văn hóa và xã hội của Hà Nam:

- Mật độ dân cư trong các làng cần được kiểm sóat, đưa ra các quy mô khuôn viên đất và mật độ xây dựng hợp lý để mỗi ngôi nhà Hà Nam trở thành một đơn vị cân bằng sinh thái riêng đóng góp cho hệ sinh thái chung của làng. Khuyến khích mô hình vườn - ao - chuồng truyền thống. Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, nên phát triển các hộ mới ra các khu vực đất chưa khai thác hoặc đất nông nghiệp năng suất thấp để giảm tải về áp lực dân số.

- Phát triển hệ thống cây xanh theo nguyên tắc truyền thống đón gió mát chặn gió lạnh, chống gió bão và tạo nên nguồn nguyên liệu trong xây dựng và sản xuất. Nạo vét và duy trì các ao hồ và các không gian mặt nước hiện có. Đưa ra những biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm các nguồn nước này.

- Giúp người dân thay đổi nhận thức về giá trị ngôi nhà truyền thống. Khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật cho việc bảo tồn và tái sử dụng các ngôi nhà truyền thống. Khuyến khích khai thác và học tập các kinh nghiệm truyền thống khi xây dựng nhà mới. Hạn chế xây dựng những ngôi nhà kiểu đô thị (nhà ống) do phá vỡ cảnh quan và làm mất đi hình ảnh nông thôn truyền thống.

- Phát triển nguồn nguyên liệu xây dựng tại địa phương, ưu tiên và khuyến khích các vật liệu có năng lượng hàm chứa thấp, khả năng tái chế cao.

- Khuyến khích thu gom và khai thác nguồn nước mưa. Chất thải và nước thải cần được quản lý kết hợp với các giải pháp kỹ thuật (biogas, phân bón vi sinh…) xử lý trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó khuyến khịch khai thác và áp dụng các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

5. Kết luận và kiến nghị

Nhà ở nông thôn Hà Nam chứa đựng những giá trị to lớn về quy hoạch, kinh tế, văn hóa đời sống… Sự phát triển kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa… tạo nên những thay đổi lên kiến trúc, quy hoạch nhà ở nông thôn một cách mạnh mẽ. Nhiều xu hướng xây dựng mới phát sinh một cách tự phát cần được nghiên cứu và định hướng. Kiến trúc nhà ở nông thôn cần được quy hoạch và hướng dẫn xây dựng theo một số hình mẫu nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế, đời sống văn hóa của người dân nông thôn; phù hợp với cảnh quan chung và không làm phá vỡ không gian sinh hoạt cộng đồng.

Nhà ở nông thôn Hà Nam là mô hình cư trú truyền thống, sinh thái thích ứng với điều kiện khí hậu. Trước làn sóng của phát triển kinh tế và đô thị hóa, cần kế thừa các bài học thích ứng khí hậu, giải pháp sinh thái từ kiến trúc truyền thống nhằm xây dựng nền kiến trúc nông thôn mới tại Hà Nam vừa xanh vừa hiện đại ứng phó được với biến đổi khí hậu.

Việc xây dựng phát triển nhà ở nông thôn mới cần được quan tâm từ bước quy hoạch, thiết kế kiến trúc và sự lựa chọn giải pháp vật liệu, giải pháp thi công sao cho nhà ở nông thôn vừa hiện đại vừa tiện nghi lại không quá xa rời không gian truyền thống. Nhà ở nông thôn mới cần được xây dựng phát triển trên cơ sở kế thừa và khai thác những bài học của truyền thống kết hợp khai thác những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Cần lựa chọn các loại vật liệu xây dựng địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như khí hậu đặc trưng của từng địa phương.

Cần đề xuất các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho các loại hình nhà ở nông thôn (ưu tiên những mô hình sinh thái) sao cho phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội nông thôn, từng bước nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân xây dựng theo. Xây dựng các mô hình thí điểm nhà ở nông thôn mới cho vùng dân cư nông thôn từ đó rút ra kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn tỉnh.

Các khu nhà ở nông thôn mới phát triển phải được quy hoạch tổng thể và quản lý xây dựng từ hạ tầng đến kiến trúc công trình. Cần quy định về diện tịch chiếm đất, chiều cao công trình, diện tích sàn, khoảng lùi so với chỉ giới quy hoạch, các công năng phù hợp với nhu cầu nhà ở nông thôn, tỷ lệ % diện tịch trồng xây xanh, mặt nước trong khuôn viên khu đất xây dựng nhà ở…


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 85+86/2017

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)