Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng, bảo trì và đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền.
2. Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các giai đoạn: khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì, vận hành khai thác sử dụng công trình xây dựng; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và kiến nghị xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hợp đồng xây dựng khắc phục trong trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đạt yêu cầu, công tác thi công xây dựng công trình không tuân thủ các quy định về an toàn lao động.
3. Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Bộ, ngành, địa phương.
4. Kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
6. Hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động: giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định, giám định xây dựng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, giám định nguyên nhân, giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.
7. Tổ chức thực hiện việc giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
8. Hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo trì công trình xây dựng.
9. Hướng dẫn, kiểm tra công tác đánh giá an toàn công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng; cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình theo quy định của pháp luật.
10. Công bố các tổ chức kiểm định đủ điều kiện năng lực thực hiện đánh giá an toàn công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
11. Hướng dẫn xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng theo quy định pháp luật; cho ý kiến về việc kéo dài thời hạn sử dụng công trình và trình Bộ Xây dựng công bố công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng theo quy định pháp luật.
12. Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
13. Xây dựng danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng, ban hành quy trình kiểm định và hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
14. Xây dựng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình.
15. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
16. Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho tổ chức và cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ kiểm định viên thuộc thẩm quyền quản lý, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
17. Hướng dẫn thống kê, khai báo, điều tra, báo cáo sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
18. Rà soát, đánh giá, xây dựng, đề xuất ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
19. Tổ chức thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
20. Thực hiện nhiệm vụ đơn vị đầu mối quản lý chung về giám định tư pháp xây dựng của Bộ Xây dựng.
21. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật giám định tư pháp xây dựng; đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
22. Xây dựng, trình Bộ ban hành hoặc cấp có thẩm quyền ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
23. Xây dựng quy trình bổ nhiệm, miễm nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp xây dựng; quy trình công nhận tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc; quy trình giám định tư pháp xây dựng; hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp xây dựng; xây dựng quy định điều kiện cơ sở vật chất, máy, thiết bị cho tổ chức, cá nhân giám định xây dựng theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
24. Lựa chọn, lập danh sách trình Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp xây dựng và công nhận, hủy bỏ công nhận tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
25. Xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp xây dựng, kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
26. Xây dựng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp xây dựng và đăng tải danh sách tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
27. Chủ trì tổ chức giám định tư pháp xây dựng về quản lý chất lượng và an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
28. Chủ trì tổ chức hoạt động xét duyệt giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng.
29. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng.
30. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan điều hành Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam.
31. Thực hiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực công tác của Cục Giám định.
32. Thực hiện các đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế liên quan đến công tác chuyên môn của Cục Giám định.
33. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục Giám định theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
34. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
35. Cục trưởng Cục Giám định được quyền:
a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, số liệu và tạo điều kiện cần thiết phục vụ công tác quản lý nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cục;
b) Đề xuất, yêu cầu hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp để thực hiện việc kiểm tra, kiểm định xây dựng, giám định xây dựng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định của pháp luật;
c) Xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật; kiến nghị đình chỉ xây dựng khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về chất lượng công trình, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình hoặc kiến nghị ngừng khai thác sử dụng công trình khi có nguy cơ dẫn đến sự cố nghiêm trọng;
d) Ký các báo cáo kiểm tra, các văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật;
đ) Được Bộ trưởng uỷ quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục Giám định theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.
36. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.
Cơ cấu tổ chức
1. Các đơn vị trực thuộc:
a) Văn phòng;
b) Phòng Quản lý chất lượng công trình dân dụng, công nghiệp;
c) Phòng Quản lý chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật và giao thông đô thị;
d) Phòng Quản lý chất lượng các công trình trọng điểm;
đ) Phòng Giám định xây dựng;
e) Phòng Quản lý an toàn xây dựng;
g) Trung tâm Phát triển Công nghệ quản lý và Kiểm định xây dựng.
Trung tâm Phát triển Công nghệ quản lý và Kiểm định xây dựng là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Giám định, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Giám định và các quy định của pháp luật.
Các đơn vị trực thuộc Cục Giám định có cấp trưởng, một số cấp phó, các công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ và người lao động.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Cục Giám định do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
2. Lãnh đạo Cục:
a) Cục Giám định có Cục trưởng và các Phó cục trưởng;
b) Cục trưởng và Phó cục trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng và pháp luật;
c) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Giám định, Cục trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế của Cục Giám định; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Cục Giám định; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục Giám định và báo cáo Bộ trưởng;
d) Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Giám định; Phó cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Cục trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.