Triển khai mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước

Thứ tư, 15/02/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu chỉ đạo về giải pháp thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin tại các bộ, ngành trong giai đoạn 2006 - 2010. Đồng thời, cần chú trọng công tác tổ chức quản lý ứng dụng công nghệ thông tin ở các bộ, ngành, có chính sách đầu tư và cơ chế tài chính phù hợp nhằm tăng cường, đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2635.279' />
Ảnh minh họa
Chiều nay 14/2, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì cuộc họp với Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin và Giám đốc Trung tâm Tin học, Trung tâm Thông tin các Bộ: Bưu chính Viễn thông, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Giáo dục Đào tạo, Xây dựng, Công nghiệp và Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các bộ, ngành giai đoạn 2001 - 2005 và giải pháp nhằm triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 58 trong giai đoạn chủ động hội nhập kinh tế quốc tế 2006 - 2010.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 58, đa số các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ đã thành lập các Trung tâm Tin học là trụ cột trong việc triển khai đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước tại đơn vị chủ quản. Trên thực tế, các Trung tâm Tin học và Trung tâm Thông tin này đã có đóng góp lớn trong công tác tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, trong đó có việc xây dựng và duy trì các trang tin điện tử của các bộ, ngành. Hiện tại, đã có 20/26 bộ, cơ quan ngang bộ có trang tin điện tử cung cấp các thông tin giới thiệu về cơ quan, các văn bản pháp lý và các thủ tục hành chính có thể xem là giai đoạn đầu của Chính phủ điện tử. Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ vào trong công tác dạy và học, phòng và điều trị bệnh tại các bệnh viện, phòng chống thiên tai, lũ lụt, hạn hán, cúm gia cầm...

Bên cạnh những kết quả đạt được, các Trung tâm Tin học và Trung tâm Thông tin ở một số bộ, ngành hiện nay cũng đang gặp phải một số hạn chế, vướng mắc cần phải giải quyết. Cụ thể là cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản có nhiều điểm không thuận lợi khi áp dụng vào việc quản lý các dự án ứng dụng công nghệ thông tin. Sự khan hiếm nhân lực công nghệ thông tin và mặt bằng lương không đồng đều trong lĩnh vực này giữa khu vực nhà nước và bên ngoài cũng đang là một vấn đề đặt ra. Điều này khiến các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn khi tuyển chọn các chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, có kinh nghiệm hoặc có tuyển chọn được thì cũng khó duy trì được lâu dài.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, tình hình hiện nay đòi hỏi công tác phát triển công nghệ thông tin cần phải được tiếp tục thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, trong đó khẩn trương xây dựng cơ chế tài chính và chính sách đầu tư phù hợp nhằm thu hút các cán bộ công nghệ thông tin có trình độ làm việc cho các cơ quan nhà nước. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm giao Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để sớm xây dựng đề án tổ chức bộ máy quản lý công nghệ thông tin ở các bộ, nhằm tránh chồng chéo trong quản lý về công nghệ thông tin tại từng đơn vị, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước tại các cơ quan chủ quản góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thùy Dương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)