Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp xi măng

Thứ sáu, 28/06/2013 07:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bảo đảm Tổng Công ty Công nghiệp xi măng (VICEM) có cơ cấu hợp lý, tập trung vào sản xuất, kinh doanh xi măng; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh để trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành xi măng ở Việt Nam.

Một trong ngành, nghề kinh doanh chính của VICEM là sản xuất, kinh doanh xi măng - Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) giai đoạn 2013-2015.

Theo đó, nghề kinh doanh chính của VICEM là sản xuất, kinh doanh xi măng và các sản phẩm vật liệu xây dựng (bê tông, cốt liệu, vật liệu xây dựng không nung, vôi công nghiệp, các loại sản phẩm từ xi măng và vật liệu xây dựng khác).

Bên cạnh đó, tư vấn đầu tư, xây dựng và phát triển xi măng; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao bí quyết sản xuất, kinh doanh, công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Vốn điều lệ của VICEM do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính.

Về phân loại, sắp xếp, đổi mới các đơn vị thành viên hiện có của VICEM giai đoạn 2013-2015, Quyết định nêu rõ sẽ duy trì các đơn vị trong cơ cấu Công ty mẹ - VICEM gồm: Công ty Tư vấn đầu tư phát triển xi măng (CCID); Viện Công nghệ xi măng VICEM; các Ban Quản lý dự án do Công ty mẹ - VICEM thành lập.

Duy trì 3 doanh nghiệp do Công ty mẹ - VICEM nắm giữ 100% vốn điều lệ: Công ty TNHH một thành viên xi măng VICEM Hoàng Thạch; công ty TNHH một thành viên xi măng VICEM Hải Phòng; công ty TNHH một thành viên xi măng VICEM Tam Điệp.

Thực hiện sáp nhập Công ty cổ phần VICEM Đá xây dựng Hòa Phát vào Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hải Vân theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, xây dựng phương án cụ thể đối với việc tìm kiếm, mua lại hoặc xem xét, tiếp nhận các doanh nghiệp, dự án xi măng có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tiềm lực tài chính, định hướng, chiến lược phát triển của VICEM, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về tái cơ cấu tài chính và đầu tư, thoái 100% vốn góp của Công ty mẹ - VICEM tại 5 doanh nghiệp; thoái một phần vốn để Công ty mẹ - VICEM không nắm cổ phần chi phối tại 9 doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu VICEM tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào sửa đổi, bổ sung Điều lệ và hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định quản lý nội bộ; kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự quản lý và điều hành.

Bên cạnh đó, hoàn thiện đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và chuẩn hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con VICEM. Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và quản lý để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo : chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)