Tạo thuận lợi phát triển quỹ đất, cắt giảm thủ tục hành chính, cởi mở những điều kiện cư trú và thu nhập cho người mua… sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, qua đó góp phần hoàn thành Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội”.
Tọa đàm "Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh" - Ảnh: VGP/Anh Lê
Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm "Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh" được tổ chức ngày 22/8 tại TPHCM.
Tại hội thảo, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong thời gian vừa qua, một số địa phương đã có cách làm tốt, các doanh nghiệp (DN) bất động sản, các thành phần kinh tế tham gia tích cực vào việc xây dựng NOXH.
Qua thống kê giai đoạn 2021 đến nay tại 61/63 địa phương, cả nước có 619 dự án NOXH được triển khai với quy mô 561.800 căn, trong đó, có 79 dự án hoàn thành với quy mô 40.600 căn hộ, 128 dự án khởi công với quy mô khoảng 112.000 căn hộ, số lượng dự án được phê duyệt đầu tư là 412 dự án với quy mô gần 410.000 căn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm do vướng mắc chủ yếu về pháp lý. Nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) gặp khó khăn, khi thực hiện các tiêu chí "xanh" bắt nguồn từ thực tế nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp, đồng thời việc thực hiện các tiêu chuẩn "xanh" làm phát sinh chi phí, khó đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.
Ông Hưng cho biết, hiện nay, ngoài Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 còn đề ra một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, trong Luật Nhà ở mới, yêu cầu UBND các tỉnh phải dành đủ quỹ đất để phát triển NOXH theo chương trình phát triển NOXH của từng địa phương.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong Luật Nhà ở có hướng dẫn, trình tự thủ tục đầu tư hoàn chỉnh các dự án nhà ở nói chung, và NOXH nói riêng như các vấn đề về thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất…qua đó, giúp cho các địa phương một trình tự thống nhất, giúp các DN xây dựng NOXH rút gọn được nhiều thời gian và các thủ tục pháp lý liên quan.
Tại buổi tọa đàm, nhiều DN bất động sản cho biết, kỳ vọng các địa phương sẽ sớm thực hiện Luật Nhà ở mới, qua đó, giúp DN tạo thuận lợi phát triển quỹ đất, cắt giảm thủ tục hành chính trong đầu tư cũng như tạo thuận lợi cho người mua nhà sớm tiếp cận nguồn vốn vay.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - Ảnh: VGP/Anh Lê
Đại diện DN bất động sản rất tâm huyết với lĩnh vực phát triển NOXH, ông Trần Đăng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Kim Oanh, cho biết, trong giai đoạn năm 2024-2025, DN này sẽ dự kiến triển khai 8 dự án NOXH.
Để mang lại giá thành hợp lý đến người tiêu dùng, DN sẽ tối ưu trong khâu thiết kế, đưa ra các giải pháp thi công mới như lắp ghép hệ thống mep, áp dụng BIM trong thi công …giúp giảm thời gian và tiết kiệm chi phí.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chi nhánh TPHCM, hiện nay NHNN đang tham gia tích cực vào Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ.
Theo ông Lệnh, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100 đã nới các điều kiện về thu nhập, trong đó vợ chồng có tổng thu nhập hằng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng được mua nhà ở xã hội sẽ giúp mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội. Điều quan trọng là các ngân hàng cần tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay thấp, thời gian cho vay dài và tăng tốc làm nhà ở xã hội để có nguồn cung cho người dân mua được nhà.
Ông Lệnh cũng cho rằng, việc xây dựng NOXH "xanh" sẽ góp phần giảm phát thải, nâng cao chất lượng đời sống người dân nhưng lại không tăng giá mua nhà. NHNN sẽ tạo điều kiện tối đa để các dự án tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có gói 120.000 tỷ đồng.