Chiều 05/8, UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội nghị công bố đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện qua các nhiệm kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (thứ 3, bên trái) trao Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 và tặng hoa chúc mừng cho lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh.
Ngày 26/4/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1495/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035. Đây là cơ sở để huyện Vĩnh Thạnh quản lý quy hoạch, triển khai lập các chương trình phát triển đô thị; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các dự án có liên quan.
Đồ án quy hoạch nêu rõ định hướng phát triển không gian vùng, định hướng phát triển hạ tầng xã hội, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sản xuất của huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035. Trong đó, quy hoạch xác định: Phân Vùng I (phân vùng trung tâm) gồm thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa. Là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế tổng hợp của huyện; phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại và là đầu mối giao lưu với các địa phương lân cận; liên kết chặt chẽ, toàn diện với sự phát triển chung của vùng. Trung tâm tiểu vùng là thị trấn Vĩnh Thạnh; phát triển xã Vĩnh Quang đạt chuẩn đô thị loại V giai đoạn sau năm 2035; phát triển mở rộng cụm công nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu (sắn, gỗ lớn, chăn nuôi,...). Phân vùng II (phân vùng sinh thái nông nghiệp) gồm các xã Vĩnh Thuận và Vĩnh Hảo. Là vùng phát triển nông lâm nghiệp kết hợp phát triển vùng nguyên liệu sắn và nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến nông lâm sản; phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản nước ngọt gắn với các hồ đập, phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, thủy điện tích năng). Phân vùng III (phân vùng bảo tồn và du lịch) gồm các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn. Là vùng bảo tồn sinh thái rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, ổn định môi trường phòng hộ đầu nguồn; phát triển kinh tế rừng và kết hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với lợi thế tự nhiên sẵn có của khu vực.
Giai đoạn đến năm 2030, huyện Vĩnh Thạnh có 01 đô thị loại V là thị trấn Vĩnh Thạnh, phát triển xã Vĩnh Quang theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V; định hướng sau năm 2030 huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu có 02 đô thị loại V gồm thị trấn Vĩnh Thạnh và 01 đô thị hình thành mới là đô thị Vĩnh Quang.
Huyện duy trì và cải thiện hạ tầng các cụm công nghiệp hiện hữu; rà soát, nâng quy mô, mở rộng diện tích các cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống của địa phương. Kết nối du lịch huyện Vĩnh Thạnh với cụm du lịch Hoài Nhơn và các vùng lân cận, huyện An Lão, huyện Hoài Ân thông qua các tuyến đường giao thông hiện có, định hướng nâng cấp mở rộng và đầu tư xây dựng mới. Phát triển các loại hình du lịch như du lịch tham quan di tích danh thắng; du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên; du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch sinh thái nông nghiệp...
Đồ án quy hoạch cũng nêu rõ: Huyện Vĩnh Thạnh tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung tại thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo và Vĩnh Thuận. Cùng với đó, huyện ưu tiên phát triển các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với trang trại gia đình, canh tác nông nghiệp hữu cơ và kỹ thuật cao; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển nuôi cá lồng bè trên các hồ Định Bình, hồ Tà Niêng,… tại các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo. Khu vực phát triển, bảo vệ hệ sinh thái rừng; phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với lợi thế tự nhiên tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh…
Ông Tô Hiếu Trung - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Hiếu Trung - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh nhấn mạnh: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiệm kỳ này. Thông qua quy hoạch, huyện Vĩnh Thạnh định hướng, sắp xếp không gian phát triển đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, khắc phục các hạn chế, khơi thông nguồn lực phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở, tiền đề để huyện Vĩnh Thạnh tăng tốc và phát triển trong tương lai.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan sở, ngành tỉnh, sự đồng hành của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới; đồng thời, cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án đầu tư phù hợp với các mục tiêu đã xây dựng.
UBND huyện Vĩnh Thạnh ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Nông nghiệp Hoà Tiến.
Tại hội nghị, có 04 nhà đầu tư đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND huyện Vĩnh Thạnh, gồm: Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Thịnh ký kết Dự án Trang trại chăn nuôi gà đẻ và gà hậu bị - xã Vĩnh Thịnh, với tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng; Công ty TNHH Nông nghiệp Hoà Tiến ký kết Dự án Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Vĩnh Hòa, với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn ký kết Dự án Khu Thương mại - Dịch vụ ven Sông Kôn Thị trấn Vĩnh Thạnh, với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư SCC ký kết Dự án Khu Du lịch sinh thái Tà Má - xã Vĩnh Hiệp, với tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng.
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Dịp này, Công ty cổ phần Phân bón và Hoá chất dầu khí Miền Trung tài trợ 34 chiếc xe đạp cho các em học sinh Trường PTDT Bán trú TH&THCS Vĩnh Kim có hoàn cảnh khó khăn./.