Bất động sản công nghiệp: Để phát triển bền vững cần đầu tư chiều sâu

Thứ năm, 01/08/2024 15:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Để tạo tiền đề thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì xây dựng một cơ sở hạ tầng theo hướng xanh, bền vững có vai trò rất quan trọng để đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn, thương hiệu lớn toàn cầu vào Việt Nam.

Các khu công nghiệp cần xây dựng một cơ sở hạ tầng theo hướng xanh để thu hút đầu tư FDI - Ảnh: VGP/MT

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 414 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất. Tổng diện tích đất là 89.126 ha chiến 69% diện tích đất công nghiệp đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI. Do đó, trong xu hướng mới ngày nay để đón làn sóng đầu tư mới thì việc hình thành các hệ sinh thái khu công nghiệp theo hướng xanh, bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam.

Xanh hóa KCN để đón đầu tư mới

Hiện nay, khái niệm ESG không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu với các doanh nghiệp (DN), các ngành nghề và cả nền kinh tế. Chính vì vậy, bất động sản công nghiệp, hạ tầng quan trọng để xây dưng các nhà máy, phát triển chuỗi cung ứng cũng phải bắt nhịp một cách kịp thời với yêu cầu bắt buộc mới này.

Tuy nhiên, làm thế nào để chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp (KCN) nhằm đón sóng đầu tư mới. Và đâu là triển vọng phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang là những câu hỏi mà các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này cần tìm lời giải.

Ngày 30/7, tại Diễn đàn "Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 (VIPF 2024)" diễn ra tại TPHCM, do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phối hợp của Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, các diễn giả đều cho rằng để phát triển bền vững cần đầu tư chiều sâu và cũng đã phân tích nhu cầu từ các công ty đa quốc gia và các DN trong nước, quá trình dịch chuyển vốn toàn cầu mở thêm những cơ hội cho bất động sản công nghiệp, và cơ hội của Việt Nam trong tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng, kiểm nghiệm chip bán dẫn.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, khu kinh tế mới như KCN sinh thái - Ảnh: VGP/MT

Nhiều tiềm năng để phát triển KCN xanh

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, khu kinh tế mới như KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao; khu kinh tế chuyên biệt, khu phi thuế quan, khu thương mại tự do.

Lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng.

Đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.

Dưới góc nhìn của một DN đã và đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống các nhà xưởng, kho bãi tại Việt Nam, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn quốc - Công ty SLP Việt Nam cho rằng, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cần tranh thủ thời gian và phải tiếp tục chuyển đổi mạnh để cạnh tranh với những nước khác trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Theo ông Nam, trong thời gian qua Việt Nam đang là điểm sáng ở thị trường Châu Á Thái Bình Dương về phát triển kinh tế nói chung cũng như thu hút nguồn vốn FDI nói riêng. Triển vọng của Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá không chỉ hiện tại mà trong dài hạn. Có nhiều làn sóng đầu tư FDI thế hệ mới vào Việt Nam như công nghệ, xe, bán dẫn....

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự cạnh canh tranh từ nhiều quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, trong 5 năm vừa qua, giá đất KCN tại Việt Nam cũng đã tăng với tốc độ nhanh lên đến 6-7%/năm.

Do đó, ông Nam cho rằng, để tăng tính cạnh tranh, các nhà đầu tư KCN tại Việt Nam cần chú trọng đầu tư chuyên sâu theo hướng xanh hóa để bắt nhịp cũng như phù hợp với xu hướng chung của thế giới. 

Ông Nam ví dụ về các KCN chuyên sâu đã có tại Việt Nam như KCN của Sumitomo (ưu tiên các nhà đầu tư Nhật Bản) và hay các khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… và trong thời gian tới, để phát triển và thành công với KCN chuyên sâu này, cần phải hình thành được hệ sinh thái với sự đồng hành của các chính sách vĩ mô, sự ửng hộ của các địa phương cùng sự quyết tâm của các nhà đầu tư, DN.

Xây dựng tính bền vững

Làm thế nào để xây dựng tính bền vững cao hơn cho bất động sản KCN? Ông Edwin Chee - Giám đốc điều hành SLP Việt Nam cho rằng, bên cạnh các chính sách vĩ mô của chính phủ như: Cải cách hành chính, các chính sách ưu đãi, khuyến khích, thì nhà đầu tư trong lĩnh vực này thì cũng rất cần nhiều sự hỗ trợ từ chính sách của các địa phương để giúp DN xây dựng các hệ sinh thái hạ tầng. 

Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang tràn ngập cơ hội vì nhiều công ty đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam, với vị trí chiến lược, nhiều hiệp định thương mại quốc tế và chi phí lao động cạnh tranh, giúp nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn để đầu tư.

"Chính điều này đã làm các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cạnh tranh dữ dội trên thị trường này. Do các công ty FDI chọn nhiều địa phương thay vì một nơi. Và SLP đã phát triển các dự án bất động sản công nghiệp và logistics ở nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An, Vĩnh Long… Sắp tới sẽ là Hưng Yên và Đồng Nai", ông Edwin Chee chia sẻ.

Để phát triển bất động sản công nghiệp theo chiều sâu, bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao khối thị trường giao dịch phía Bắc (công ty JLL Việt Nam) phân tích, hiện nay, các KCN ở Việt Nam đang dần chuyển mình phát triển theo chiều sâu, cung cấp nhiều hơn các sản phẩm cho khách thuê thay vì đơn thuần là đất sạch và hạ tầng như giai đoạn trước. Xu hướng phát triển KCN tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ là chuyên biệt và theo chiều sâu, để định vị Việt Nam là thị trường thu hút các nhà đầu tư trình độ cao.

Ông Lê Trọng Minh cho biết, để tạo thể chế, chính sách cho phát triển mô hình KCN, khu kinh tế nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. 

"Bên cạnh đó, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình khu công nghiệp mới", ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)