Đẩy nhanh tiến độ phát triển trục sông Hồng thành trục cảnh quan đô thị của Thủ đô

Thứ năm, 01/08/2024 15:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), dù tới ngày 1/1/2025 Luật này mới chính thức có hiệu lực. Nhưng đây được xem là cú hích lớn đối với sự phát triển của Thủ đô, trong đó có việc tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ phát triển trục sông Hồng thành trục cảnh quan đô thị quan trọng của Thủ đô.

Phát triển sông Hồng trở thành biểu tượng mới của Thủ đô

Vị trí quan trọng của sông Hồng đã được cụ thể hóa rất rõ trong Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Giờ đây, với việc Luật thủ đô được thông qua, Thành phố Hà Nội sẽ được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Sông Hồng có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Bên cạnh đó, nguồn lực đất đai khu vực hai bên sông cũng sẽ phát huy được tối đa giá trị và giúp Hà Nội xây dựng mô hình thành phố ven sông xứng tầm với nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó, đưa sông Hồng trở thành biểu tượng mới của Thủ đô.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nêu rõ, dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới.

Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch...

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...

Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô... Đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc...

Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã tiếp tục ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Kết luận nêu rõ, Quy hoạch và Đồ án nói trên phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược...; thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia. Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bổ hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.

Có thể thấy, chủ trương phát triển theo trục sông Hồng hiện đang có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện. Nếu như ở phía Đông Bắc, quận Long Biên, huyện Gia Lâm và một phần tỉnh Hưng Yên (huyện Văn Giang) đã và đang chuyển mình vô cùng mạnh mẽ trong vòng dăm năm gần đây.

Ngược lên phía Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh cũng đang có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh đô thị hóa trên "nền đô thị, công nghiệp" hiện có. Ưu thế nổi bật nhất dễ dàng nhận thấy tại 3 huyện dự kiến sẽ trở thành "thành phố trong thành phố" là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các khu công nghiệp và một số tuyến giao thông đã được đầu tư khá đồng bộ như trục Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường 5 kéo dài...

Đặc biệt, theo quy hoạch, tại khu vực này, dự kiến còn có thêm 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng gồm: Cầu Hồng Hà (nối huyện Mê Linh với huyện Đan Phượng), cầu Thượng Cát (nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm), cầu Tứ Liên (nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ).

Lợi thế phát triển của huyện Đông Anh và khu vực phía Bắc được dự báo sẽ còn lớn hơn khi UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1045/2022/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/500 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), trong đó phạm vi nghiên cứu trên địa bàn 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Quy hoạch này sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng đất bãi sông Hồng mà vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn phòng, chống lũ lụt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đô thị hai bờ sông Hồng

Để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bổ hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng sẽ góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đô thị hai bờ sông Hồng, hiện UBND các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đang lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có đối với việc nghiên cứu ý tưởng quy hoạch bãi nổi giữa và ven sông Hồng.

Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với định hướng chính của đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở): Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỉ lệ 1/5.000) được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/03/2022 nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, với diện tích khoảng 10.996,16ha, thuộc địa bàn 55 phường, xã của 13 quận, huyện; quy mô dân số khoảng 300.000 người.

Đây sẽ là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ -TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ);

Đồng thời là trục không gian đặc trưng hành lang xanh: Cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch; Hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa;

Phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống theo hướng hiện đại, an toàn và khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời (đi bộ, xe đạp,...); hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực liền kề, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông; kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và Thành phố;

Cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng.

Để triển khai thực hiện quy hoạch phân khu đô thị được duyệt, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo: Về quy hoạch xây dựng: Giao chính quyền địa phương các quận, huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai: Xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo Quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai Quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của Pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch phân khu được duyệt.

Quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch. Có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại theo quy định; không để phát triển thêm về số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông.

Đồng thời rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn (theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều) và các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm theo quy định.

Về công tác đầu tư xây dựng, trước mắt, thành phố sẽ có kế hoạch cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bổ sung hạ tầng xã hội (trường học, công cộng, cây xanh…) nhằm nâng cao đời sống dân cư; Di dời các khu vực lấn chiếm bãi sông, khai thác cảnh quan ven sông vào mục đích không gian công cộng cho Thành phố.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng khung trong đó ưu tiên xây dựng tuyến đường ven sông làm cơ sở để cải tạo chỉnh trang khu vực hai bên bờ sông. Từng bước xây dựng các tuyến giao thông kết nối từ đê chính đến tuyến đường ven sông để hướng Thành phố "quay mặt" ra sông Hồng; Quá trình lập các Quy hoạch chi tiết các Dự án đầu tư sẽ xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 26 Luật Đê điều.

Sau khi các tuyến đường ven sông được xây dựng và kết nối với khu vực lân cận, các công viên ven sông được hình thành, sông Hồng sẽ phát huy được hết giá trị trục cảnh quan, không gian xanh, trở thành điểm đến cho người dân Thủ đô và khu vực. Cùng với việc xây dựng thêm các cây cầu kết nối hai bờ sông, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh trung tâm của Thành phố, khi đó sức hấp dẫn cũng như giá trị của sông Hồng, không chỉ nằm ở quỹ đất hai bên sông mà sẽ có tính lan toả, là động lực phát triển cho cả khu vực phía Bắc và phía Nam sông Hồng, tăng thêm sức thu hút đầu tư cho thành phố Hà Nội, làm cho thành phố Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Hiện nay, UBND các địa phương đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có (được phép tồn tại), đối với việc nghiên cứu ý tưởng quy hoạch bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, UBND Thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì tổ chức nghiên cứu lập Đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng". Trên cơ sở đó, UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên phối hợp thực hiện nhằm từng bước cụ thể hóa theo định hướng chính của đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)