Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD. Trong đó, vốn vay ngân hàng thế giới là 170 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD, còn lại 30 triệu USD là vốn đối ứng của TPHCM.
Ông Marc Forni, Chuyên gia trưởng Năng lực thích ứng đô thị của WB trình bày đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp tại Thành phố - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Chiều 24/1, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM, nhóm công tác chung TPHCM - World Bank (HWG) đã trình bày đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp tại Thành phố.
Theo ông Marc Forni, Chuyên gia trưởng Năng lực thích ứng đô thị của WB, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của TPHCM.
Ngoài ra, trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững. Do đó, cần phục hồi tính cạnh tranh của TPHCM thông qua chú trọng vào phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp.
Tuy nhiên, các thành phố đang phát triển gặp khó khăn trong thực hiện các giải pháp giảm phát thải vì hạn chế lớn về tài chính. Các giải pháp nhỏ và rời rạc rất khó khăn để thu về lợi nhuận do chi phí giao dịch cao và mức giảm phát thải hạn chế trên cơ sở riêng lẻ.
Trong bối cảnh đó, dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM trong các lĩnh vực ưu tiên đã được xây dựng trong 18 tháng qua trên cơ sở phân tích APEX được thực hiện trong giai đoạn đầu của Nhóm công tác chung, với mục tiêu giúp Thành phố giảm phát thải carbon trên quy mô lớn thông qua thực hiện các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn đối với tài sản công và tài sản tư nhân.
Dự án sẽ tạo ra một hệ thống nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải của Thành phố.
Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD. Trong đó vốn vay ngân hàng thế giới là 170 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD, còn lại 30 triệu USD là vốn đối ứng của TPHCM.
Dự án sẽ được chuẩn bị trong giai đoạn 2024-2025, sau đó ở giai đoạn 2025-2030 sẽ tiến hành thực hiện.
Theo đó, theo ông Forni, dự án tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng, có thể thực hiện trên quy mô lớn và đã được chứng minh hiệu quả qua kinh nghiệm quốc tế. Các giải pháp bao gồm: Nâng cấp lên đèn đường LED, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, trang bị thêm các thiết bị tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sang xe điện.
Cụ thể, với giải pháp nâng cấp lên đèn đường LED, việc chuyển đổi sang đèn đường LED đã được chứng minh là khả thi về mặt thương mại. Mức tiêu thụ điện của đèn đường khi nâng cấp lên đèn LED có thể giảm được 50 - 60%, đồng thời tuổi thọ dài gấp 4 lần so với công nghệ chiếu sáng truyền thống.
Với giải pháp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, TPHCM có tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời trên mái nhà rất lớn khi có lượng bức xạ cao hơn mức trung bình. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, duy trì liên tục xuyên suốt năm và không gặp bất kỳ gián đoạn nào như miền Bắc. Số giờ nắng có thể lên tới 300 giờ vào mùa khô và chỉ giảm xuống khoảng 150 giờ vào mùa mưa.
Với giải pháp trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhóm chuyên gia cho rằng trong các toà nhà, thành phần tiêu thụ điện năng bao gồm hệ thống điều hoà không khí và các thiết bị phụ trợ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy.
Đối với các công trình xây dựng như văn phòng, khu thương mại, khách sạn…, nếu đầu tư xây dựng tòa nhà sử dụng hệ thống tiết kiệm năng lượng sẽ phát sinh chi phí đầu tư xây dựng tăng khoảng 3%, nhưng chi phí vận hành giảm từ 14-36% do tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà/nhà máy xử lý nước thải sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện cho các đơn vị sở hữu tòa nhà/nhà máy, giảm đáng kể lượng khí thải carbon, đồng thời tạo ra sự ổn định trong khâu cung cấp điện và giá điện.
Còn giải pháp chuyển đổi sang xe điện sẽ góp phần tiết kiệm chi phí vận hành và đóng góp vào công cuộc giảm phát thải, và cải thiện chất lượng không khí của Thành phố.
Giải pháp này có thể bổ sung cho Nghiên cứu thí điểm về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành mà TPHCM đang xây dựng nhằm hạn chế số lượng xe máy quá hạn. Cần tích hợp thêm cơ chế tài chính, thông qua việc tiếp cận thị trường carbon để tạo ra nguồn thu từ tín chỉ carbon là khoản khuyến khích về mặt tài chính đối với các chủ phương tiện ngừng sử dụng xe máy chạy bằng động cơ đốt trong, đặc biệt là xe cũ, sớm hơn dự định và chuyển sang sử dụng xe máy điện thân thiện với môi trường.