Theo Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh là hơn 6.700km2; gồm 10 đơn vị hành chính (thành phố Cao Bằng và 9 huyện).
Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Báo Nhân dân)
Ngày 19/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng là hơn 6.700km2; gồm 10 đơn vị hành chính (thành phố Cao Bằng và 9 huyện).
Quan điểm quy hoạch là phát triển nhanh, bền vững theo hướng Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, kinh tế Số; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, quy hoạch cấp quốc gia. Khai thác tối đa lợi thế đặc thù vị trí địa kinh tế-chính trị, cửa ngõ quốc tế kết nối với thị trường Trung Quốc để huy động nguồn lực đầu tư vào các công trình quan trọng, tạo sự đột phá, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cao Bằng. Lấy con người làm trung tâm, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phải tôn trọng quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh; đồng thời phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh và gắn với quản lý, bảo vệ biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản có bước phát triển mới; hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển nhanh, bền vững...
Mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Cao Bằng bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,72%/năm; GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách tăng bình quân trên 12%/năm... Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 4%/năm; có 75 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn "An toàn về an ninh trật tự."
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh Cao Bằng cần đẩy mạnh phổ biến các nội dung cốt lõi, cơ bản của quy hoạch nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Cùng với đó, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Các cấp, các ngành chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, vừa để bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch.
Các ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng; nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Các đơn vị, địa phương huy động mọi nguồn lực tập trung vào 3 nội dung đột phá của tỉnh gồm: Phát triển du lịch-dịch vụ bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; phát triển kinh tế cửa khẩu; tập trung thực hiện tốt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công, cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động…/.