Quy hoạch phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng tới sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt là “hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt”.
Một góc tại cảng Cái Mép – Thị Vải, một trong những cảng trung chuyển nước sâu hiện đại, được đầu tư đồng bộ - Ảnh: VGP/Trần Như
Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh xác định tập trung hiện đại hóa cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế; hình thành Khu thương mại tự do và trung tâm logistics Cái Mép Hạ; phát triển TP. Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; phát triển các tổ hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ quy mô lớn tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hoá dầu, hạ nguồn hoá dầu, điện-điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo…
Tiếp tục phát triển Côn Đảo hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo. Tạo lập môi trường sống an toàn, trong lành, có chất lượng cao; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trung hoà carbon và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0".
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thọ, quy hoạch phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng tới sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt: "Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt".
Báo cáo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển: Hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để kết nối thuận lợi với quốc tế, bảo đảm cho Bà Rịa-Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia.
Phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc Biên Hoà–Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Cầu Phước An, Cảng hàng không Côn Đảo; thúc đẩy các thủ tục, triển khai đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa–Vũng Tàu.
Hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.
Xây dựng các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.
Hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng; bố trí không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng chức năng: Công nghiệp-cảng biển; du lịch; nông nghiệp cân bằng sinh thái và vùng biển-hải đảo.
Trên cơ sở phân vùng chức năng, tập trung phát triển theo 3 trục động lực: Trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu và đường vành đai 4 TPHCM; trục động lực kinh tế du lịch ven biển, dọc đường tỉnh lộ 994, trục kết nối cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu.
Để bảo đảm cho các mục tiêu trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm như các dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường 991B và cầu Phước An không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện, đồng bộ giao thông kết nối liên vùng, nội tỉnh, tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ.