Chiều 15/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề tháng 8/2023, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đai biểu đã nghe báo cáo về Đồ án quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đến năm 2045 (tỷ lệ 1/10.000); Đồ án quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045 (tỷ lệ 1/10.000); Đề án thành lập thị xã Việt Yên và các phường thị xã Việt Yên.
Quang cảnh hội nghị.
Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045 (tỷ lệ 1/10.000), phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (đô thị Bắc Giang), trong đó: Thành phố Bắc Giang gồm 16 phường, xã (10 phường và 6 xã). Huyện Yên Dũng gồm 2 thị trấn và 16 xã. Diện tích lập quy hoạch khoảng 25.830 ha, trong đó thành phố Bắc Giang 6.656 ha, huyện Yên Dũng 19.174 ha.
Xây dựng Đô thị Bắc Giang trở thành một thành phố “Xanh và Thông minh” với các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia, hỗ trợ phát triển liên vùng; là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, du lịch và giáo dục để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một đô thị có môi trường sống tốt, gắn với cảnh quan thiên nhiên. Với 4 chiến lược phát triển: Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các ngành sản xuất ở Bắc Giang; Phát triển thành phố năng động đa trung tâm; Làm nổi bật yếu tố tự nhiên để tăng cường sức hấp dẫn của thành phố; Phát triển giao thông đa phương thức.
Nhằm cụ thể hoá các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu đang xem phối cảnh quy hoạch chung thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045.
Đô thị Bắc Giang phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, theo nét đặc trưng riêng của từng khu vực, với nhiều trung tâm khác nhau, có tính chất độc lập hoặc phụ thuộc lẫn nhau và được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng. Phát triển ba trung tâm đô thị hiện hữu (Thành phố Bắc Giang, Thị trấn Nham Biền, Thị trấn Tân An) và tạo ra bản sắc riêng biệt của từng khu vực; cấu trúc đô thị dựa vào các yếu tố tự nhiên là lấy núi Nham Biền và dòng sông Thương làm trung tâm và tác động ngược trở lại sự phát triển đô thị; kết hợp vùng thoát lũ dọc theo hai bên bờ sông và vùng sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ lụt và duy trì các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Phối cảnh Quy hoạch chung đô thị Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045.
Đồ án Quy hoạch chung đô thị Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000, có phạm vi ranh giới lập quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính huyện Việt Yên, diện tích quy hoạch khoảng 17.101,3ha. Đô thị thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang gắn với phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại dịch vụ.
Cấu trúc đô thị Việt Yên được xây dựng dựa trên tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, khung hạ tầng hiện có, các định hướng quy hoạch phát triển KT-XH. Với “cấu trúc đa trung tâm hình thành 1 tâm và 4 cực phát triển” và mô hình tập trung kết hợp phân tán để phát triển đô thị. Trung tâm đô thị được xác định ở khu vực đô thị hiện hữu phát triển theo dạng lan tỏa mở rộng. Vùng trung tâm kết nối với sông Cầu kiến tạo trục không gian chức năng đô thị đa tiện ích.
Đề án thành lập thị xã Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 171,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 228.953 người và 17 đơn vị hành chính trực thuộc của huyện Việt Yên. Thành lập 09 phường trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã, thị trấn hiện nay.
Việt Yên đã bảo đảm điều kiện thành lập thị xã với 5/5 tiêu chuẩn của thị xã thuộc tỉnh và 4/4 tiêu chuẩn thành lập 09 phường thuộc thị xã Việt Yên theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
Phát triển đô thị Việt Yên theo định hướng thông minh, hiện đại, bản sắc và bền vững trên cơ sở quy hoạch đi trước một bước và quản lý chặt chẽ sự phát triển theo quy hoạch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ và chuyển đổi số; lấy kinh tế công nghiệp là trọng điểm, dẫn dắt kinh tế đô thị, dịch vụ và nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số; huy động đa dạng các nguồn lực.
Phấn đấu trước năm 2025, Việt Yên trở thành thị xã. Đến năm 2027 đạt tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2030 trở thành TP trực thuộc tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 75% và đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75 -85% vào năm 2045.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kết luận hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất, biểu quyết thông qua 3 nội dung. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cũng thông tin thêm về mục tiêu, định hướng cũng như các trục và động lực phát triển của các đồ án quy hoạch. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tư vấn, UBND thành phố Bắc Giang, UBND huyện Việt Yên cần rà soát lại các nội dung trong đồ án, đồng thời chỉnh sửa và sử dụng địa danh các địa phương cho đúng.
Về Đồ án quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045 và Đề án thành lập thị xã Việt Yên và các phường của huyện Việt Yên đã được UBND tỉnh thông qua, đây là bước khởi đầu quan trọng. Các bước tiếp theo, huyện phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền theo quy định để sớm đưa Việt Yên trở thành thị xã.