Chiều ngày 14/8/2023, đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị chuyên đề về tình hình thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Đại diện BQL KKT Nghi Sơn và các khu CN báo cáo tại hội nghị.
Theo báo cáo, đến nay trên địa bàn tỉnh có KKT Nghi Sơn, các khu công nghiệp (KCN) ngoài KKT Nghi Sơn và các cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, KKT Nghi Sơn có 23 phân khu công nghiệp với diện tích khoảng hơn 9.000 ha, trong đó có 7 KCN gắn với các dự án đầu tư lớn và đã được lấp đầy gồm: KCN số 7 (Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn), KCN số 8 (Nhà máy xi măng Nghi Sơn), KCN số 10 (Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2), KCN số 13 (Nhà máy xi măng Đại Dương); KCN số 14 (Nhà máy xi măng Công Thanh), KCN số 18 (Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp), KCN số 2 (các dự án kho xăng dầu, phụ trợ cho liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn). 4 KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng gồm: KCN luyện kim (CN- 9); KCN số 1 (khu vực 67 ha phía Bắc đường 513); KCN số 3 và KCN số 15 (KCN Đồng Vàng). 11 KCN đã phê duyệt quy hoạch phân khu, nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng gồm: KCN số 4, KCN số 5, KCN số 6, KCN số 6A, KCN số 11, KCN số 12, KCN số 17, KCN số 19, KCN số 20, KCN số 21, KCN số 22. Ngoài ra còn 1 KCN đang trong quá trình lập quy hoạch phân khu là KCN số 16.
Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, diện tích KCN trong KKT Nghi Sơn được phê duyệt là 2.339,3 ha.
Đại diện các địa phương phát biểu tại hội nghị.
Đối với các KCN ngoài KKT Nghi Sơn, theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh có 19 KCN với diện tích đến năm 2030 là 6.045 ha và sau năm 2030 khoảng 6.809,1 ha; trong đó có 8 KCN đã có trong quy hoạch với tổng diện tích 2.035,61 ha. Đến nay, các KCN có 343 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.270 tỷ đồng và 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 832,7 triệu USD và đã có hơn 330 dự án đi vào hoạt động ổn định, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, đã có 5 KCN có nhà đầu tư hạ tầng, 3 KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng.
Đối với tình hình thực hiện đầu tư các CCN, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 44 CCN với tổng diện tích 1.642,96 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 11.654,36 tỷ đồng, luỹ kế vốn đã đầu tư 1.885,24 tỷ đồng. Trong đó, khu vực đồng bằng có 23 CCN với tổng diện tích 883,4 ha, tổng vốn đầu tư - đăng ký là 6.505,2 tỷ đồng. Khu vực ven biển có 10 CCN với tổng diện tích 304,04 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.335,7 tỷ đồng. Khu vực miền núi có 11 CCN với tổng diện tích 455,52 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.813,5 tỷ đồng.
Tại hội nghị, sau khi cùng thảo luận về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan làm rõ những nguyên nhân tác động tới tiến độ thu hút đầu tư và đầu tư các dự án hạ tầng KCN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu kết luận hội nghị.
Đối với các dự án, nếu nguyên nhân chậm trễ không phải do vướng mắc các quy định của Nhà nước, đã được gia hạn; các ngành nghiên cứu quy trình thu hồi lại dự án tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quyết định.
Đồng chí giao Ban Quản lý KKNS và các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết các KCN, phân khu KCN còn lại. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tập trung vốn triển khai các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy một số KCN đang hoạt động; đồng thời giao các địa phương tập trung cho công tác GPMB, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai các dự án, sớm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Với những đề xuất vướng mắc của hoạt động CCN, đồng chí nhấn mạnh: Đối với 31 CCN đúng tiến độ, đồng chí giao các địa phương làm việc với các chủ đầu tư để thực hiện công tác GPMB để thực hiện dự án theo tiến độ đề ra. Đối với những CNN chậm tiến độ do yếu tố nhà nước, đồng chí giao các địa phương báo cáo cụ thể về nguyên nhân, giải pháp cũng như thời gian thực hiện. Nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo trực tiếp lên UBND tỉnh xem xét. Đối với những CNN chậm tiến độ có yếu tố nhà nước và chủ đầu tư, đồng chí giao sở Công Thương chủ trì hội nghị làm việc với địa phương và chủ đầu tư liên quan để làm rõ những vấn đề còn vướng mắc; báo cáo lại UBND tỉnh xem xét, trong đó phải làm rõ phương án, kế hoạch tháo gỡ khó khăn. Đối với các CCN chậm tiến độ do nhà đầu tư không triển khai, đồng chí giao Sở Công Thương phối hợp với các địa phương liên quan làm rõ những khó khăn vướng mắc của chủ đầu tư và thông báo cho chủ đầu tư được biết tiến độ thực hiện dự án. Nếu các chủ đầu tư không có động thái thực hiện dự án theo tiến độ, các ngành tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý dứt điểm.