Trên địa bàn Thủ đô, biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và thường nằm tại các vị trí đẹp, có diện tích khá lớn. Tuy nhiên đến nay, chất lượng nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến việc chất lượng nhiều biệt thự cũ xuống cấp là do không có đủ kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa.
Trong quá trình phân phối, bố trí, cho thuê và sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ dân đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép, làm biến dạng kiến trúc biệt thự. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của các nhà biệt thự cũ. Vì vậy, việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự, một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố có 1.216 biệt thự (được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự) được công bố tại Quyết định số 1845/QĐ-UBND (ngày 2-6-2022) của UBND thành phố về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố; và một số công trình kiến trúc khác sẽ được kiểm định. Trong đó, thành phố ưu tiên khảo sát, kiểm định chất lượng chi tiết 24 biệt thự (được đánh giá là có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc) và 8 công trình kiến trúc.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 3681/QĐ-UBND về việc thành lập "Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc khác có giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hội đồng có nhiệm vụ tham gia ý kiến và thẩm định (lập mới và điều chỉnh) danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo tiêu chí đánh giá, phân loại quy định. Sở Quy hoạch - Kiến trúc (cơ quan giúp việc Thường trực Hội đồng thẩm định) chịu trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, lập báo cáo và tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố hoặc đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, tiến hành trùng tu, thời gian tới, các sở, ngành của thành phố cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hóa 3D đối với biệt thự thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý nhà biệt thự. Việc này sẽ góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về biệt thự; làm cơ sở để bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ khu vực nội đô lịch sử và các quận nội thành. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở tại các phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ, phố cũ và thiết kế đô thị; hỗ trợ, ưu đãi đối với việc cải tạo, trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử.
Biệt thự cũ ở Hà Nội mang giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, là minh chứng cho một giai đoạn phát triển của Thủ đô. Biệt thự cũ phải có sự trùng tu, bảo dưỡng thì mới phát huy được giá trị. Nhưng trước khi thực hiện các công việc đó cần phải hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa cốt lõi của biệt thự cũ thì mới có thể bảo tồn vẹn nguyên và sau đó là khai thác giá trị của nó.