Thừa Thiên Huế: Áp dụng Mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng

Thứ ba, 25/07/2023 15:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Vừa qua, Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC (CIC) thuộc Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng”.

Áp dụng BIM góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công xây dựng

Kết quả Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng (giai đoạn 2017-2021) cho thấy, áp dụng BIM góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công xây dựng và quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, tiết kiệm chi phí dự án đến 12%, rút ngắn thời gian thi công xây dựng từ 12-15% so với tiến độ được duyệt.

Từ những hiệu quả thiết thực này, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Theo đó, từ năm 2023, tất cả các công trình cấp I, cấp đặc biệt của dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án bắt buộc áp dụng BIM.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC giới thiệu tổng quan về BIM, yêu cầu đối với việc áp dụng BIM nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng, thúc đẩy chuyển đổi số.

Một số ứng dụng của BIM như lập mô hình thông tin hiện trạng công trình, nội dung ứng dụng BIM này có thể được áp dụng ngay từ giai đoạn bắt đầu dự án, giúp ghi lại hiện trạng công trình trước khi tiến hành cải tạo, phá dỡ, hoặc để lập thông tin kiểm tra đánh giá (so sánh với hồ sơ lưu trữ).

Lập mô hình thiết kế, đây là một quy trình để xây dựng mô hình BIM theo các yêu cầu của công tác thiết kế. Việc lập mô hình thiết kế giúp tất cả các bên hiểu rõ ý đồ thiết kế; kiểm soát tốt hơn ý tưởng thiết kế, giảm sai sót, thay đổi, thúc đẩy nhanh quá trình thẩm tra, thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền.

Quy trình sử dụng mô hình thiết kế BIM để hỗ trợ tính toán, phân tích, kiểm tra hệ thống kết cấu. Lập tiến độ thi công mô phỏng quá trình thi công xây dựng theo thời gian giúp việc lên kế hoạch sát hơn với thực tế sẽ được triển khai khi thi công…

Theo Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC, trong những năm gần đây, nhiều công nghệ mới trong ngành xây dựng đã được ứng dụng có hiệu quả, trong đó có BIM. BIM là mục tiêu quốc gia, qua đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành xây dựng nước mình. Tại thời điểm hiện tại, BIM cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành xây dựng.

Việc ứng dụng BIM tại Việt Nam từ chỗ chủ yếu được thực hiện tại một số dự án có yếu tố nước ngoài tham gia (do nước ngoài đầu tư hoặc thuê tư vấn quản lý dự án, thiết kế nước ngoài) đến nay nhiều cơ quan, tổ chức trong nước (chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp) đã bắt đầu quan tâm, xem xét, triển khai do thấy được lợi ích mà BIM có thể mang lại.

Qua tổng kết tại một số dự án cho thấy, ứng dụng BIM đã giúp chủ đầu tư rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn trong giai đoạn thiết kế, thi công, kiểm soát chặt chẽ khối lượng thực hiện.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)