Phát biểu tại Hội nghị “Thẩm định Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được tổ chức chiều 17/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh nhấn mạnh, công tác quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương.
Một góc thành phố Đà Lạt - trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc lập quy hoạch phải làm sao khai thác, đánh giá được hết các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của mình, nhận định rõ các điểm nghẽn. Từ đó, đưa ra tầm nhìn, phân bổ các nguồn lực, sắp xếp không gian, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, xây dựng quy hoạch cần theo hướng tư duy mới, kiến tạo phát triển chứ không chỉ đối phó với những vấn đề thực trạng.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, Lâm Đồng coi quy hoạch là kim chỉ nam cho việc hoạch định các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.
“Một đồ án quy hoạch tốt sẽ giúp cho tỉnh khơi thông các điểm nghẽn, phát triển tương xứng tiềm năng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI”, Bí thư Trần Đức Quận nhấn mạnh.
Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên được coi là “cửa ngõ” thông ra biển của khu vực Trung và Nam Tây Nguyên, điểm kết nối của 3 vùng kinh tế: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung nhờ nằm trên 2 hành lang cao tốc chính là Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt - Quốc lộ 20 và Buôn Mê Thuột - Khánh Hòa.
Lâm Đồng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với Thành phố Đà Lạt là vùng đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Lâm Đồng cũng là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, chè... thích ứng với biến đổi khí hậu; trung tâm công nghiệp khai thác và chế biến quặng bauxite; alumin; công nghiệp chế biến nhôm và chế tạo.
Tuy nhiên, Lâm Đồng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: địa hình tự nhiên phức tạp gây khó khăn cho sản xuất và làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải; nền kinh tế chưa đủ lớn; các tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy, khai thác sử dụng hiệu quả.
Không những thế, nguồn lực ngân sách hạn hẹp, lực lượng lao động tay nghề cao còn thiếu; chưa cân đối được ngân sách; thu hút đầu tư chưa đạt hiệu quả cao; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và hiện đại; xa cảng biển không có đường sắt kết nối với các địa phương khác; kết cấu hạ tầng giao thông Liên vùng còn hạn chế.
Trình bày dự thảo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, Quy hoạch tỉnh phải đề xuất các phương án phát triển để tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển.
Phấn đấu đạt mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị là “đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước; đồng thời phát huy các giá trị cốt lõi, tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế làm động lực, tăng trưởng; trở thành khu vực kinh tế động lực của Nam Tây Nguyên” và mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là phấn đấu đến năm 2045 tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước và tầm nhìn 2050 tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống vào năm 2045, tỉnh đề ra 5 đột phá phát triển.
Đó là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.
Tiếp đến là cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh lớn từ các thành phần kinh tế để tạo ra bước ngoặc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, tổ chức sắp xếp lại hợp lý không gian kinh tế - xã hội; phân vùng chức năng; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu.
Cùng với đó, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử - văn hóa, thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo vệ các quỹ đất rừng và nguồn nước, đặc biệt là các khu vực đầu nguồn của lưu vực sông; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế đô thị... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…