Chiều ngày 12/5, tại Trung tâm Hội nghị - Nhà văn hóa thị xã Bỉm Sơn, Ủy ban nhân dân (UBND) Thị xã đã phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn đến năm 2045. Dự hội nghị có các đồng chí Phan Lê Quang – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa; Phạm Xuân Na – Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc tỉnh Thanh Hóa.
Về phía Thị xã có các đồng chí: Đào Vũ Việt – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy; Nguyễn Thanh Tùng – Phó Bí thư thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND Thị xã; Trịnh Tuấn Thành – Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã. Cùng tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Thị xã qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, lãnh đạo HĐND & UBND thị xã; chủ tịch UB MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội thị xã; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thị xã, đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn; lãnh đạo các xã phường và cán bộ 58 khu phố, thôn trên địa bàn Thị xã.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trịnh Tuấn Thành – Chủ tịch UBND Thị xã khẳng định: Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn đến năm 2045 được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thị xã Bỉm Sơn, tháo gỡ được nhiều tồn tại vướng mắc mà nhân dân đã nhiều lần kiến nghị xem xét. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển thị xã Bỉm Sơn, tạo động lực, cơ hội cho thị xã Bỉm Sơn khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tiếp đó, đồng chí Phan Lê Quang – Giám đốc Sở Xây dựng đã công bố Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn đến năm 2045. Theo đó, Thị xã Bỉm Sơn được quy hoạch chức năng là trung tâm vùng động lực kinh tế phía Bắc của tỉnh, đóng vai trò là một trong 3 cực tăng trưởng vùng đồng bằng trung du của tỉnh; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh và đầu mối giao thông. Với chức năng, động lực phát triển gồm công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Tầm nhìn phát triển đô thị từ nay đến năm 2030, nghiên cứu kết nối không gian, hạ tầng kỹ thuận đô thị giữa thị xã với các huyện lân cận phía Bắc tỉnh. Hướng trọng tâm phát triển: Công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp VLXD, công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biển nông lâm sản và dệt may; thương mại dịch vụ gắn với vị trí là cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, kết nối với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc. Giai đoạn sau năm 2030, đẩy mạnh kết nối không gian, hạ tầng kỹ thuật đô thị giữa thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung để hoàn thiện khu vực phát triển đô thị đảm bảo tiêu chí đô thị loại IV theo định hướng Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Từng bước chuyển đổi các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phát triển đô thị hiện đại, thu hút dân cư đến sinh sống, trở thành một cực tăng trưởng kết nối tỉnh Thanh Hóa với khu vực phía Bắc.
Trên cơ sở định hướng các khu chức năng đô thị, Đồ án định hướng 7 phân khu trên cơ sở điều chỉnh các quy hoạch phân khu trước đây, gồm: Khu số 1 phía Tây quốc lộ 1A; khu số 2 phía Tây quốc lộ 1A; Khu trung tâm thị xã; Khu đô thị phía Đông; Khu chức năng phía Đông thị xã; Khu đô thị mới phía Nam sông Tam Điệp và Khu đô thị, trung tâm văn hóa thể thao phía Nam sông Tam Điệp.
Tại hội nghị, đại diện Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa đã giới thiệu những nội dung chính của Đồ án.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND Tỉnh, đồng chí Phan Lê Quang – Giám đốc Sở Xây dựng đã trao Quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 cho lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn.
Phát biểu bế mạc hội nghị, thay mặt lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn đồng chí Trịnh Tuấn Thành – Chủ tịch UBND Thị xã Bỉm Sơn trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh, các sở, ban, ngành, đã dành cho thị xã Bỉm Sơn trong suốt thời gian lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thị xã Bỉm Sơn; đồng thời ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng của các phòng, ban, UBND các xã phường trong quá trình lập, hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thị xã.
Theo đồng chí, Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn đến năm 2045 được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Để quy hoạch đi vào cuộc sống, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân. Trên cơ sở nội dung quy hoạch chung được phê duyệt, khẩn trương lập mới và điều chỉnh các quy hoạch phân khu theo quy định; tổ chức lập các quy hoạch chi tiết đảm bảo thiết kế đô thị hợp lý, hài hòa theo hướng tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, mở rộng ranh giới nghiên cứu chỉnh trang. Tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng, quy hoạch quản lý sử dụng không gian đô thị phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh.Người đứng đầu cấp uỷ chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, các cấp trên cơ sở các mục tiêu, định hướng phát triển theo các Quy hoạch được phê duyệt, tổ chức rà soát, đánh giá lại các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất và khả thi. Tập trung thực hiện các khu đô thị mới, khu dân cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với đầy đủ các chức năng: nhà ở, khu thương mại, khu công cộng, giáo dục, khu hành chính..... Trong giai đoạn 2023-2026 cần thực hiện phát triển thêm không gian đô thị mới gồm 7 dự án với diện tích khoảng 300ha. Hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2021 - 2025, đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch xây dựng. Tập trung, tham mưu giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn. Cùng với đó, tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội; có giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển toàn diện đô thị.