Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nhằm sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo. Ảnh: Thùy Chi
Tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch
Để thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, các tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai thực hiện những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch, trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch 2017 và Luật có liên quan.
Đối với Hà Nội, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 3/2022, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai.
Tháng 4/2022, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô. Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 25/5/2022 phân công nhiệm vụ cụ thể và mốc thời gian hoàn thành đối với các phần việc, đơn vị liên quan.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017, Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch nhằm sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch được triển khai theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Các chuyên gia về quy hoạch cho rằng, đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau. Việc lập quy hoạch phải xuất phát từ việc phân tích, đánh giá đúng thực trạng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thành phố; đồng thời nêu bật được những đặc thù riêng có của Thủ đô Hà Nội.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Quy hoạch Thủ đô lập theo hướng đồng bộ, nổi bật nhất là tích hợp, đa ngành, sẽ giải quyết hài hòa được các mục tiêu lớn trong quá trình phát triển. Cụ thể là định hướng, quan điểm về chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; quan điểm phát triển, gắn kết hạ tầng và tổ chức sắp xếp lại không gian…
Đại diện Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện đã thực hiện được các phần việc như tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chuẩn bị nội dung phục vụ lập quy hoạch; tổ chức các buổi tọa đàm xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tư vấn quốc tế để tham vấn các ý tưởng, quan điểm, mục tiêu, định hướng trọng yếu, cách làm để lập quy hoạch. Viện cũng đã khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố về các nội dung liên quan lập Quy hoạch Thủ đô; hoàn thành báo cáo khung định hướng quy hoạch…
Tổ chức thu thập tài liệu, số liệu, các định hướng quy hoạch cấp quốc gia, các ngành, lĩnh vực, địa phương bạn, kinh nghiệm quốc tế, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quy hoạch để phục vụ công tác rà soát, đánh giá thực trạng trong quá trình lập quy hoạch.
Viện đã tham mưu thành phố xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô và đến nay Đề cương dự thảo lần thứ chín đã được Thường trực Thành ủy thông qua. Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, dự kiến cuối tháng 4/2023, đơn vị hoàn thành đánh giá hồ sơ dự thầu và ký hợp đồng tư vấn vào tháng 5/2023.
Trong tháng 5 và tháng 6/2023, Viện chủ trì phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức các buổi làm việc, hội thảo với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; tổ chức khảo sát trong và ngoài thành phố phục vụ lập quy hoạch; chủ trì phối hợp tư vấn xây dựng báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ, phấn đấu đến tháng 10/2023 trình Quốc hội Quy hoạch Thủ đô.
Cần có những cách làm sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ
Để tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, việc nghiên cứu quy hoạch lần này được tổ chức theo phương pháp tích hợp với nhiều nội dung thống nhất trong một bản quy hoạch trên một địa bàn tỉnh. Khác với trước đây, việc nghiên cứu quy hoạch thường được thực hiện theo tầng bậc và độc lập trong từng ngành, lĩnh vực.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần có những cách làm sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, việc cần thiết hiện nay là thành lập một bộ phận chuyên môn, được tập hợp từ các đơn vị, sở, ngành của thành phố để nghiên cứu, sàng lọc phương án quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực, quận, huyện để đưa vào nội dung quy hoạch tích hợp.
Hiện Hà Nội có đặc thù là một địa bàn, trên cùng diện tích, cùng thời gian quy hoạch, có hai quy hoạch cùng triển khai song song đồng thời. Đó là lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Vì vậy, có nhiều nội dung cần phải phân định rõ.
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định cho Hà Nội 69 nội dung cần tích hợp vào quy hoạch. Do đó, một số phương án quy hoạch ngành và địa phương được xác định trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng đã được xác định trong Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các nội hàm trong hai quy hoạch có thể sẽ có khác biệt, do nội hàm các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là các phương án quy hoạch, còn trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là các định hướng quy hoạch.
Theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, hiện mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội chưa từng có tiền lệ, cũng như hệ thống văn bản pháp luật chưa đề cập đầy đủ các diễn biến thực tế đang diễn ra. Do đó, để tránh chồng chéo, trùng lặp, cũng như để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị liên quan cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mới đây, tại buổi làm việc với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Tiến độ thực hiện các công việc tiếp theo của viện khá gấp gáp, với khối lượng công việc lớn, nhưng các đầu việc đã rõ ràng. Do đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, khoa học, nhịp nhàng, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các công việc.
Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành cùng vào cuộc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn viện sớm lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, ký hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô trong tháng 5/2023.
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, quy hoạch lần này phải tạo ra nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô; tạo ra những cực tăng trưởng mới, trong đó có 2 thành phố trực thuộc. Đối với thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), đây là thành phố về dịch vụ, thông minh và hội nhập, kể cả phát triển công nghiệp cũng chỉ là dịch vụ như logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...
Còn thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), vốn đã có sẵn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quý I. Vừa qua, Thành phố đã khởi công tuyến cao tốc từ Hà Đông đi Xuân Mai. Tới đây, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo nhanh chóng làm đường sắt trên cao đoạn này; đồng thời nghiên cứu cải tạo Quốc lộ 21 (từ Sơn Tây đi Xuân Mai), qua đó tạo ra hạ tầng khung để thu hút người dân.
Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền TP. Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.
Với sự chỉ đạo linh hoạt, đổi mới của TP. Hà Nội, sự tập trung vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng xã hội, hy vọng Hà Nội sẽ sớm hoàn thành bản quy hoạch với chất lượng cao, nhằm phát triển Thủ đô bền vững, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của người dân Thủ đô Hà Nội.
Đến thời điểm hiện tại, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 13 bước xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã mời các chuyên gia tham vấn, tổ chức học tập kinh nghiệm và triển khai các bước xây dựng đề cương định hướng.
Từ nay đến trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố sẽ chỉ đạo thực hiện 8 bước hoàn thiện quy hoạch quan trọng này. Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 2 thành phố trực thuộc và 3 khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), TP. Hà Nội dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh...