Ngày 1/4/2023, Tạp chí Xây dựng phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng, Công ty CP Searefico E&C và Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai tổ chức hội thảo “Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng - hiện trạng, lộ trình và giải pháp”, theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia các hội, hiệp hội chuyên ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia về BIM
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, quá trình tổng kết thực hiện Đề án số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và kết quả theo dõi việc áp dụng BIM của Bộ Xây dựng giai đoạn 2017-2021 cho thấy, BIM góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công và quản lý dự án đầu tư xây dựng, tiết kiệm chi phí dự án đến 12%, rút ngắn thời gian thi công xây dựng từ 12-15% so với tiến độ được duyệt.
Từ hiệu quả thiết thực trên đây, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, bắt buộc áp dụng BIM đối với các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Chính phủ quy định việc áp dụng BIM thực hiện theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Phạm Quang Tú - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng nêu một số định hướng phát triển BIM trong thời gian tới, yêu cầu đối với việc áp dụng BIM nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng, thúc đẩy chuyển đổi số. Để làm được điều này, theo TS. Nguyễn Phạm Quang Tú, cần giải quyết một số vướng mắc về cơ chế chính sách, bảo mật thông tin, nhân lực cho BIM.
Bà Trương Thùy Linh - Phụ trách phát triển khối kiến trúc và xây dựng Việt Nam, Autodesk Asia Pte Ltd trình bày tại hội thảo
Đánh giá về triển vọng phát triển BIM tại Việt Nam, bà Trương Thùy Linh - phụ trách phát triển khối kiến trúc và xây dựng Việt Nam, Autodesk Asia Pte. Ltd cho biết: thực trạng làm việc trên 2D vẫn khá phổ biến trong ngành Xây dựng; tiêu chuẩn và hướng dẫn pháp lý cần sửa đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đi nhanh hơn và bài bản hơn. Qua đó, bà Trương Thùy Linh đề xuất các Bộ, ngành hỗ trợ thúc đẩy áp dụng BIM vào các dự án vốn đầu tư công theo Quyết định số 258/QĐ-TTg, đồng thời phối hợp liên Bộ để có hướng dẫn chi tiết cùng khung pháp lý cho hồ sơ BIM, nâng cao nhận thức về việc phê duyệt, kiểm soát dự án BIM ở các Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, cần đổi mới trong việc cập nhật chương trình đào tạo sinh viên, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường, kết nối, liên kết với các doanh nghiệp để phát triển công nghệ, từ nghiên cứu, học tập đến ứng dụng trong thực tiễn.
Chia sẻ lộ trình áp dụng BIM của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Singapore, ông Phạm Trường Giang - Trưởng phòng BIM & Engineering, Shimizu Việt Nam cho biết, để thích ứng trong việc áp dụng BIM tuân thủ theo lộ trình và yêu cầu của Chính phủ Singapore, Shimizu văn phòng quốc tế đã thiết lập lộ trình của mình gồm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, các chức năng yêu cầu chung là bắt buộc cho việc triển khai BIM như: dựng mô hình, lập tiến độ hoặc biện pháp thi công, triển khai các chi tiết và bản vẽ shop drawing cho toàn bộ các bộ môn của dự án. Giai đoạn 2, các chức năng tự động sẽ tối ưu và tối đa hóa việc triển khai BIM. Giai đoạn 3 là giai đoạn tích hợp tất cả thông tin đầu vào và thông tin liên lạc của các bên liên quan vào một nền tảng cộng tác chung. Hiện tại việc ứng dụng BIM của Tập đoàn Shimizu thông qua Ủy ban BIM đã được chia sẻ và áp dụng cho toàn bộ các chi nhánh của Tập đoàn.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Kết luận hội thảo, đại diện Ban tổ chức bày tỏ tin tưởng với quyết tâm thực hiện của các cấp lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND tỉnh, sự tích cực phối hợp trong hoạt động xây dựng và nâng cao năng lực nhân sự giữa các bên tham gia dự án, việc áp dụng BIM sẽ đem đến tầm nhìn và tương lai rộng mở hơn, hiện đại hơn, bền vững hơn cho ngành Xây dựng.